Qua hơn 5 năm triển khai, chất lượng báo cáo tài chính từ kho bạc cấp tỉnh đã ngày càng cải thiện. Ảnh tư liệu |
Dần hoàn thiện báo cáo tài chính cấp tỉnh qua từng năm
Qua 5 năm triển khai thực hiện lập, tổng hợp Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) cấp tỉnh, từ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bến Tre đã đúc kết được kinh nghiệm qua từng năm. Hiện, KBNN Bến Tre đã cơ bản nắm được quy trình tiếp nhận, rà soát và kiểm tra báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị, cơ quan, tổ chức, nhất là sự biến động và chênh lệch số liệu của báo cáo năm trước so với năm sau để từ đó có những thuyết minh, giải trình phù hợp.
Theo báo cáo từ KBNN Bến Tre, BCTCNN cấp tỉnh do đơn vị thực hiện đã dần được cải thiện chất lượng theo từng năm. Đặc biệt, BCTCNN cấp tỉnh năm 2022 vừa qua được đơn vị tiếp nhận thông tin từ 435 báo cáo cung cấp thông tin tài chính đầu vào nên đã khái quát được tình hình kinh tế - xã hội của toàn tỉnh trong năm tài chính 2022.
Hơn nữa, so với các năm trước, báo cáo cung cấp thông tin tài chính năm 2022 được thực hiện gửi và nhận hoàn toàn trên hệ thống Tổng kế toán bằng phương thức điện tử, không còn thực hiện theo phương thức tiếp nhận thủ công bằng bảng giấy như trước. Đồng thời, các đơn vị thuộc đối tượng phải nộp báo cáo cung cấp thông tin tài chính đã dần hiểu hơn về chế độ kế toán cũng như yêu cầu của báo cáo nên đã cung cấp thông tin đầu vào tốt hơn, giúp KBNN Bến Tre hoàn thành được BCTCNN cấp tỉnh với chất lượng tốt nhất.
Tại KBNN Ninh Thuận, BCTCNN cấp tỉnh năm 2022 cũng được tổng hợp thông tin từ báo cáo cung cấp thông tin tài chính của 283 đơn vị (bao gồm 178 đơn vị dự toán cấp I và 26 cơ quan quản lý thu, chi NSNN tại địa phương; 65 đơn vị thực hiện chế độ kế toán xã và 14 đơn vị ban quản lý dự án thực hiện chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công). Ngoài chất lượng báo cáo được đảm bảo và nâng lên, BCTCNN cấp tỉnh cũng đã góp phần quan trọng cho các cấp lãnh đạo của tỉnh đánh giá tổng thể bức tranh tài chính nhà nước của toàn tỉnh.
Tiếp tục nâng cao chất lượng báo cáo
Tuy nhiên, theo các đơn vị KBNN, mặc dù đạt một số kết quả khả quan trong lập BCTCNN cấp tỉnh, nhưng tại từng địa phương cũng đang gặp một số khó khăn.
Tạo đột phá trong phân tích, thuyết minh Báo cáo tài chính nhà nước Để tạo đột phá trong tổng hợp, phân tích, thuyết minh BCTCNN tỉnh, KBNN Bình Phước đã có những cách làm sáng tạo như: Chủ động chuẩn bị trước các mẫu biểu, hồ sơ trình và thống nhất các nội dung cần thuyết minh trên báo cáo. Đồng thời, kết hợp nhiều phương pháp phân tích, đánh giá số liệu (phân tích biến động theo thời gian, phân tích cơ cấu chỉ tiêu chi tiết so với chỉ tiêu tổng); so sánh số liệu giữa các khu vực (cấp tỉnh, cấp huyện), giữa các địa phương với nhau (huyện, thị xã, thành phố), giữa các ngành, lĩnh vực (hành chính, sự nghiệp, cơ quan quản lý…), từ đó đưa ra những nhận xét, đánh giá. |
Theo phản ánh của các đơn vị KBNN địa phương, qua công tác rà soát, tổng hợp BCTCNN cấp huyện để lập BCTCNN cấp tỉnh, cũng như hỗ trợ các huyện rà soát báo cáo cung cấp thông tin tài chính của từng đơn vị đã cho thấy, người đứng đầu đơn vị sử dụng ngân sách chưa thật sự quan tâm về công tác cung cấp thông tin báo cao, chưa quan tâm chỉ đạo các cá nhân, bộ phận có liên quan thực hiện tốt công tác báo cáo. Một số đơn vị vẫn còn chậm trễ trong gửi báo cáo, chưa thật sự chủ động thực hiện nhiệm vụ báo cáo của đơn vị; số liệu trên báo cáo sơ sài, thậm chí theo dõi thiếu tài sản cố định.
Chất lượng báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Một số đơn vị gửi báo cáo chưa đúng mẫu biểu, báo cáo được lập không đúng chế độ kế toán theo quy định. Bên cạnh đó, số liệu báo cáo cung cấp thông tin tài chính còn có sai sót, phải gửi đi gửi lại nhiều lần, đặc biệt giá trị tài sản chưa được hạch toán đầy đủ và chính xác vào báo cáo tài chính. Thông tin thuyết minh trên báo cáo tài chính của đơn vị chỉ mang tính chất chi tiết số liệu mà chưa có nhiều nội dung diễn giải, phân tích, đánh giá.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác lập; gửi báo cáo cho KBNN, dẫn đến không đảm bảo thời hạn gửi báo cáo theo quy định, ảnh hưởng đến tiến độ tổng hợp BCTCNN tỉnh…
Để khắc phục tình trạng này, bằng kinh nghiệm thực hiện các bản BCTCNN trong 5 năm qua, các đơn vị KBNN đã đưa ra một số giải pháp giúp nâng cao hơn nữa chất lượng BCTCNN của toàn hệ thống trong thời gian tới, nhất là khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đang được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung.
Đơn cử như việc các đơn vị KBNN cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính trên địa bàn rà soát đảm bảo xác định đúng, đủ đối tượng cung cấp thông tin tài chính cho KBNN để lập BCTCNN theo quy định. Bởi hiện nay, các đối tượng thuộc nhóm này bao gồm cơ quan Đảng và 5 tổ chức chính trị, chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% dù không sử dụng NSNN; các cơ quan quản lý thu, chi NSNN, tài sản, nguồn vốn của Nhà nước…
Đối với việc kiểm tra tính cân đối, hợp lý, hợp lệ của báo cáo cung cấp thông tin tài chính, các đơn vị KBNN thực hiện kiểm tra báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị dự toán cấp 1 theo hướng: Kiểm tra số liệu các chỉ tiêu trên cùng 1 báo cáo; kiểm tra số liệu giữa các báo cáo trong cùng kỳ, các báo cáo thuộc các kỳ khác nhau. Đặc biệt chú ý đến kiểm tra tính hợp lý giữa số liệu chỉ tiêu “chi phí hao mòn”, “chi phí khấu hao” với thông tin về tài sản cố định hữu hình và vô hình…; kiểm tra các chỉ tiêu đầu tư tài chính (ngắn hạn và dài hạn), vay nợ, nguồn vốn kinh doanh…
Đồng thời, thực hiện kiểm tra báo cáo cung cấp thông tin tài chính của cục thuế, chi cục thuế; KBNN; tài sản kết cấu hạ tầng; sở tài chính; tài sản cố định đặc thù và báo cáo tổng hợp thông tin tài chính nhà nước huyện.
Ngoài ra, các đơn vị KBNN cũng đưa ra một số gợi ý phân tích, thuyết minh BCTCNN như phân tích từng chỉ tiêu so với chỉ tiêu tổng; phân tích biến động của từng chỉ tiêu giữa các năm (số tương đối, số tuyệt đối); phân tích tỷ trọng của từng chỉ tiêu theo cơ cấu tỉnh – huyện, nhóm đơn vị; phân tích về mức độ xã hội hóa trong một số ngành, lĩnh vực tại địa phương (giáo dục, y tế); phân tích tính bền vững của tài chính địa phương…
Theo các đơn vị KBNN, làm tốt các công việc này sẽ giúp BCTCNN được hoàn thiện, trở thành bức tranh tổng thể về tài chính của cả nước, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cơ quan có thẩm quyền, hỗ trợ hiệu quả việc đưa ra quyết sách đúng đắn về tài chính – ngân sách, là cơ sở thúc đẩy sự phát triển kinh tế cũng như các lĩnh vực khác của từng địa phương.
Cần thực hiện đúng và đủ việc cung cấp thông tin đầu vào Về vấn đề nhiều báo cáo chưa đảm bảo tính cân đối, hợp lý, hợp lệ, chưa phân tích, thuyết minh về các biến động lớn trong năm báo cáo so với năm liền kề trước đó, KBNN cho biết, các đơn vị khu vực công có nhiều cấu phần và có quy mô khác nhau, nhiều đơn vị quy mô nhỏ có chất lượng đội ngũ kế toán viên chưa được cao dẫn đến những “sai số” trong BCTCNN. Vì thế, KBNN đề nghị các đơn vị cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp, thực hiện đúng và đủ việc cung cấp cơ sở dữ liệu đầu vào. Đồng thời các cấp thẩm quyền cần xác định BCTCNN là tài liệu cho công tác chỉ đạo điều hành và ra quyết định, nghị quyết về tài chính và ngân sách để có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc triển khai các hướng dẫn về công tác kế toán, cung cấp báo cáo thông tin tài chính chính xác và kịp thời cho KBNN. |