Số vụ vi phạm giảm

Theo báo cáo đánh giá mới nhất của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu đối với nhóm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền có những chuyển biến rõ rệt kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Đó là nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp về bảo vệ thương hiệu và trách nhiệm đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt hàng này có những thay đổi tích cực so với trước đây.

Số vụ việc vi phạm được phát hiện, xử lý đều giảm rõ rệt, năm sau thấp hơn năm trước, đặc biệt là không còn tình trạng bày bán công khai mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng kém chất lượng trong các khu chợ, các tuyến phố, cửa hàng xách tay như trước đây. Hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng từng bước được kiểm soát, xử lý hiệu quả.

Dầu gội đầu giả nhãn hiệu nổi tiếng bị lực lượng Quản lý thị trường thu giữ. Ảnh: BAN 389
Dầu gội đầu giả nhãn hiệu nổi tiếng bị lực lượng Quản lý thị trường thu giữ. Ảnh: Ban 389

Đơn cử, thống kê năm 2022, qua triển khai, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 3.527 vụ vi phạm (giảm 567 vụ, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước) về buôn bán kinh doanh hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả là dược phẩm (1.009 vụ), mỹ phẩm (1.618 vụ), thực phẩm chức năng (822 vụ), thuốc y học cổ truyền. Qua xử lý, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 3.510 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 49,31 tỷ đồng; khởi tố 17 vụ/35 đối tượng.

Cơ quan chức năng cũng đã áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược và đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với 6 trường hợp vi phạm về xuất khẩu thuốc kiểm soát đặc biệt; ban hành 11 văn bản thu hồi thuốc vi phạm chất lượng, ban hành các công văn đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 41 sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng; thực hiện tạm ngừng hoạt động của 133 tên miền “.vn”, thu hồi 4 tên miền.

Tuy nhiên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhìn nhận, vẫn còn một số tồn tại. Ví dụ như việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc, vẫn còn bộ ngành, địa phương không lập báo cáo định kỳ. Công tác phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng, các địa phương chưa thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong việc chia sẻ trao đổi thông tin và xử lý vi phạm.

Không để tiếp tay, móc nối, bảo kê

Để làm tốt hơn trong thời gian tới, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

Vi phạm về quảng cáo diễn ra phổ biến trên mạng

Qua công tác đấu tranh, các lực lượng chức năng chỉ ra một số khó khăn như tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra phổ biến trên môi trường mạng, các kênh youtube; facebook; zalo, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài… Ngoài ra, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có sự dịch chuyển dần từ vận chuyển qua đường mòn, lối mở, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, trực tiếp giao nhận hàng hóa sang thành lập công ty, sử dụng công nghệ cao, giao nhận gián tiếp, lòng vòng.

Bộ Công thương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025"; trong đó cần phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý việc bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, đặc biệt đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện Chỉ thị 17; chủ động dự báo sát tình hình, đề ra những giải pháp trọng tâm trong thời gian tiếp theo; tiếp tục rà soát xử lý những khó khăn vướng mắc, tăng cường phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, xử lý triệt để các vi phạm. Đặc biệt, các địa phương chú trọng thanh tra, kiểm tra công vụ, làm tốt công tác tổ chức cán bộ không để tiếp tay, móc nối, bảo kê cho mọi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu tiếp tục xử lý những khó khăn, vướng mắc; rà soát tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành thay thế, từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, đảm bảo sự đồng bộ, chặt chẽ, toàn diện, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đối với nhóm mặt hàng chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị chức năng giám sát và quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo của các đơn vị phát hành quảng cáo, đặc biệt đối với thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...