Doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện có khoảng 50% doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài, 50% còn lại vẫn phụ thuộc vào thị trường nội địa. Trong khi đó, số doanh nghiệp có thị trường nội địa không chỉ khó khăn về vốn và dòng tiền, mà còn đối mặt với nguy cơ lớn nhất là giá nguyên vật liệu tăng cao và nguồn nguyên liệu trên thế giới cũng đang dần cạn kiệt.

Theo ông Anh từ đầu năm tới nay, giá nguyên vật liệu tăng đến 20%. Mặt khác, việc thiếu điện ở Trung Quốc đang diễn ra, trong khi đó, ngành này phụ thuộc rất nhiều nguồn nguyên liệu ở Trung Quốc. Dự báo những đơn hàng mua từ nước ngoài đều sẽ tăng giá. Thêm vào đó, giãn cách kéo dài trước đó đã làm gián đoạn nguồn cung, việc áp dụng các biện pháp phòng dịch tại doanh nghiệp, chi phí logistics theo đó tăng lên từ 10-20% so với thời điểm trước dịch… Đây là những khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành cao su nhựa đang đối diện.

Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ sẽ là cơ hội tốt giúp doanh nghiệp phục hồi
Doanh nghiệp duy trì hoạt động tại khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Từ đầu tháng 3 đến nay, các doanh nghiệp trong ngành nhựa, cao su được các ngân hàng giảm từ 1%-1,5% lãi suất. Cụ thể như doanh nghiệp Cao su Đức Minh trước đây vay với mức lãi suất 8,3%, trong 6 tháng dịch vừa qua, doanh nghiệp này được giảm xuống còn 6,5%. Từ giữa tháng 10/2021, khi thành phố vừa nới lỏng giãn cách thì lãi suất của các khoản vay mới tại ngân hàng cũng đã tăng trở lại, trong khi doanh nghiệp vẫn chưa lấy lại đà phục hồi.

“Trong ngành của chúng tôi, dòng tiền về bây giờ đang khó khăn. Đặc biệt là thị trường nội địa. Một thời gian rất dài thị trường đóng băng do giãn cách, chúng tôi không bán được hàng. Đến bây giờ, phần lớn các doanh nghiệp của ngành này đang thiếu dòng tiền về để trả cho ngân hàng”Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP. Hồ Chí Minh cho hay.

Theo ông Anh, thực tế vốn có thể vay được, nhưng dòng tiền trả nợ giai đoạn này rất khó khăn. “Tôi mong ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ, giãn nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp trong giai đoạn vừa rồi không bán được hàng và tiêu thụ nội địa chậm” – ông Quốc Anh đề xuất.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu sản xuất liên tục ngay cả thời điểm trong dịch, nhưng phần lớn là trả các đơn hàng cũ cho xuất khẩu, do đó thị trường xuất khẩu vẫn khởi sắc hơn so với thị trường nội địa. Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường nội địa sẽ còn khó khăn và giảm rất nhiều do sức mua vẫn còn ảm đạm.

Có thể thấy, tại TP. Hồ Chí Minh vấn đề lao động cho doanh nghiệp gần như được giải quyết. Thời điểm này, doanh nghiệp cần được giãn nợ, khoanh nợ, vốn vay để giúp họ nhanh chóng lấy lại đà phục hồi. Bên cạnh đó, nắm bắt các vấn đề phát sinh, vướng mắc, có chính sách điều chỉnh kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp có sớm phục hồi thì kinh tế thành phố mới sớm hồi sinh trở lại.

Ngân hàng vào cuộc

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, thành phố (TP) đã hỗ trợ cho 406.410 khách hàng với tổng dư nợ 470.195 tỷ đồng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/2/2020 “về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” và một số thông tư khác sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Trong đó, cơ cấu lại thời hạn với số tiền là 127.193 tỷ đồng, miễn giảm lãi suất là 7.251 tỷ đồng, cho vay mới là 334.000 tỷ đồng. Ngoài ra năm 2021, thành phố có 11 thương hiệu ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ DN với tổng số tiền đăng ký cho vay là 312.045 tỷ đồng với lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung dài hạn, các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ.

Cùng với đó, các sở, ngành, TP. Thủ Đức và các quận huyện đã phối hợp với ngân hàng thực hiện kết nối, giải ngân vốn vay cho 21.637 khách hàng với tổng số vốn 241.385 tỷ đồng.

Chỉ đạo hoạt động khôi phục, sản xuất kinh doanh khối doanh nghiệp mới đây, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ động nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách để hỗ trợ, tháo gỡ, đặc biệt là khó khăn về vốn để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh để được hướng dẫn, hỗ trợ. Theo đó, trong quý cuối năm nay, TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp cùng gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng.

“Từ nay đến cuối năm 2021, mỗi quận, huyện và Thành phố Thủ Đức phải tổ chức ít nhất một hội nghị kết nối (hoặc lễ ký kết hợp đồng) giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Mục tiêu là không để doanh nghiệp nào đủ điều kiện vay vốn mà không thể tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh” – bà Thắng nhấn mạnh.

UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết, thời điểm này đang tập trung chỉ đạo các hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề, ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp phát huy vai trò đầu mối, làm cầu nối hướng dẫn các DN, liên hệ trực tiếp các cơ quan chức năng hoặc thường xuyên tập hợp các khó khăn, vướng mắc của DN, chuyển đến sở ngành liên quan để tham mưu UBND TP kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN sớm phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh./.