Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các khâu trung gian

Ngày 6/1/2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có Quyết định số 05/QĐ-TCT ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) của Tổng cục Thuế năm 2023. Kế hoạch được ban hành nhằm mục tiêu đẩy mạnh CCHC, đảm bảo triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, triển khai đồng bộ và toàn diện từ công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đến xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Tài chính số trong lĩnh vực thuế góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, tại Quyết định số 05/QĐ-TCT, Tổng cục Thuế đề ra 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản trong công tác CCHC thuế, bao gồm: cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và công tác chỉ đạo, điều hành CCHC. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị trong ngành đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành Thuế.

Đồng thời, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành hoàn thiện toàn diện các quy định về nội dung, thẩm quyền, trách nhiệm; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các khâu trung gian, quy trình, TTHC rườm rà, quy định rõ trách nhiệm, minh bạch trong thực hiện nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, kể cả tham nhũng vặt trong tổ chức thực hiện; bảo đảm tạo thuận lợi, đơn giản TTHC cho doanh nghiệp, người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ giám sát.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Ngành Thuế cũng tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14, Kết luận số 34-KL/TW phù hợp với đặc thù và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của ngành; xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, tinh gọn, hợp lý, linh hoạt ứng phó với các vấn đề có tính toàn cầu, đáp ứng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Thuế theo hướng “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”...

Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao

Đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, Tổng cục Thuế yêu cầu toàn ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát, trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, tham gia triển khai kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số. Kết nối trục liên thông văn bản quốc gia ổn định tiến tới nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu số kết nối các thông tin cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính với các bộ, ngành, địa phương đảm bảo phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, ngành Thuế cũng sẽ phối hợp triển khai thực hiện Đề án xác định chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đánh giá, xác định chỉ số CCHC năm 2022 của Tổng cục Thuế; đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền công tác CCHC của Tổng cục Thuế đảm bảo hiệu quả.

Thay thế, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính không thiết thực

Từ năm 2020-2022, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành 10 quyết định công bố mới 53 thủ tục hành chính (TTHC); sửa đổi, bổ sung, thay thế 183 TTHC; bãi bỏ 117 TTHC. Riêng năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính 8 quyết định công bố cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thuế và 2 quyết định công bố chế độ báo cáo. Theo đó, số TTHC đã giảm từ 304 xuống còn 234 thủ tục (trong đó 103/234 thủ tục đạt mức độ 3-4 và 97/103 thủ tục được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia), tương ứng với tiết kiệm trên 524 tỷ đồng chi phí tuân thủ TTHC. Kết quả này đã vượt mục tiêu về thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 20% quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

Để hiện thực hóa quyết định của Tổng cục Thuế, về phía Cục Thuế TP. Hà Nội, ngày 17/2/2023 đơn vị đã tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến để phố biến, quán triệt việc triển khai chiến lược, chương trình hành động và kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đến toàn thể lãnh đạo, công chức tại văn phòng Cục Thuế TP. Hà Nội và các chi cục thuế trực thuộc. Tại hội nghị này, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Mai Sơn đề nghị cán bộ công chức trao đổi những vướng mắc, tham mưu, đề xuất, báo cáo lãnh đạo cục thuế các nội dung cần triển khai thực hiện, đảm bảo đúng lộ trình và kế hoạch được Bộ Tài chính phê duyệt, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu và các nhiệm vụ cụ thể mà chiến lược đề ra.

Tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng cho biết, cục thuế đặt mục tiêu thực hiện thắng lợi Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 mà trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử. Đặc biệt, đơn vị triển khai kịp thời các chính sách thuế mới, các chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ NNT nhanh chóng phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu lực trong năm 2023...

* Bà Lê Thị Chinh – Phó Trưởng ban cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế):

"Kim chỉ nam" để thực hiện nhiệm vụ cải cách hệ thống thuế

Các nội dung chiến lược, chương trình hành động và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 của Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022, là văn bản pháp lý quan trọng, là "kim chỉ nam" để ngành Thuế triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hệ thống thuế hướng tới đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Chiến lược đã đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế và chính sách miễn, giảm, bảo đảm tính trung lập của thuế, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN. Đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Chiến lược lấy trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản gồm: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số. Theo đó, ngành Thuế đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, mức độ hài lòng của NNT với sự phục vụ của cơ quan thuế đạt tối thiểu 90%; đến năm 2030, mức độ hài lòng của NNT với sự phục vụ của cơ quan thuế đạt tối thiểu 95%.