Ngành thủy sản dự báo gặp khó khăn đến năm 2024
Ngành thủy sản dự báo gặp khó khăn đến năm 2024. Ảnh: TL

Thông tin tại Hội nghị thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 25/11, bà Vương Thị Oanh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, bức tranh của ngành thuỷ sản năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024.

Theo đó, trong nửa cuối năm 2023, tổng sản lượng toàn cầu trong nửa cuối năm có thể sẽ không tăng do nhu cầu từ thị trường chưa có tăng trưởng lớn.

Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục là thị trường có tăng trưởng trong nửa cuối năm. Các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, châu Âu (EU) và Nhật Bản được kỳ vọng sẽ gia tăng nhu cầu nhập khẩu dịp cuối năm khi tồn kho giảm và các ngày lễ lớn đến gần.

Việt Nam sẽ tiếp tục là nhà cung cấp tiềm năng cho các thị trường trên. Tuy nhiên, cạnh tranh vẫn sẽ gia tăng với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc cho sản phẩm chế biến và với Ecuador cho sản phẩm thường.

Về cơ hội của thủy sản Việt Nam, bà Oanh cho rằng, trong nhiều năm qua, sản phẩm thủy sản Việt Nam cạnh tranh bằng năng lực chế biến. Điều này đã giúp chúng ta tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, giá thành tốt, khắc phục hạn chế về chi phí sản xuất và vận chuyển.

Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế với sản phẩm được ưa chuộng tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh… và duy trì tốt thị phần tại những thị trường cạnh tranh cao như Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ nhiều thị trường chủ lực có khả năng phục hồi tốt dịp cuối năm. Sản lượng sản xuất trong nước vẫn đang được duy trì ở mức tốt.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, việc xuất khẩu qua Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Australia lao dốc khiến kim ngạch 10 tháng chỉ đạt 7,4 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm 10 tháng đạt 2,8 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái; cá tra đạt 1,5 tỷ USD, giảm 29%; cá ngừ khoảng 693 triệu USD, giảm 22%. Mực, bạch tuộc, cua ghẹ, giáp xác và thủy sản khác giảm từ 9 - 15% so với cùng kỳ 2022.