Cổ phiếu bảo hiểm không còn “lệch sóng”

Thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm khá mạnh trong nửa đầu quý III/2021, do tác động phức tạp của làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là khu vực các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, thị trường cho thấy sức chống chịu tốt và hồi phục mạnh trong nửa còn lại quý III và chặng đầu của quý IV/2021. Trong đà tăng chung của thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng có phần đóng góp cho xu thế tăng khi không còn hiện tượng “lệch sóng” như trước.

Nhiều cổ phiếu bảo hiểm tăng “chuẩn sóng”, ấn tượng với MIG

Thống kê một số biến động giá một số cổ phiếu bảo hiểm trên sàn chứng khoán cho thấy, dấu hiệu tăng trưởng về giá rất tích cực. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/11/2021, cổ phiếu ABI đang có thị giá cao nhất là 71.000 đồng/CP; BVH: 64.800 đồng/CP; PVU: 52.500 đồng/CP; BMI: 45.500 đồng/CP; PTI: 39.500 đồng/CP; BIC: 31.400 đồng/CP; PGI: 30.700 đồng/CP; MIG: 28.400 đồng/CP; BLI: 19.100 đồng/CP;…

Như vậy, so với thời điểm kết thúc quý II/2021 (ngày 30/6) và đầu năm 2021 (4/1), thì hầu hết các cổ phiếu ngành bảo hiểm đều đã xác lập một mặt bằng giá mới.

Thống kê của phóng viên TBTCO tại 8 cổ phiếu bảo hiểm trên sàn, hiện giá cổ phiếu đóng cửa phiên ngày 2/11 đều tăng trưởng ở mức 2 con số so với cuối quý II năm nay. Trong số này, mã MIG của Bảo hiểm Quân đội (MIC) đang ở ngôi quán quân khi cho thấy đà tăng giá ấn tượng nhất với mức tăng 51,1% so với ngày 30/6/2021 (biểu đồ).

Tính từ đầu năm (4/1) tới nay (2/11), trong 8 cổ phiếu thống kê thì có 7 cổ phiếu có tăng trưởng giá dương, đặc biệt là mức tăng khá ấn tượng. Theo đó, cả 7 cổ phiếu này đều cho thấy tăng trưởng giá trên 36%, trong đó, MIG vẫn giữ vị thế quán quân khi tăng giá tới 77,5%.

Liệu có còn “giữ sóng” tới cuối năm?

Việc nhiều cổ phiếu bảo hiểm tăng mạnh khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ, bởi nhóm này ngoại trừ vài ông lớn thì ít nhận được sự quan tâm lớn của dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Theo lý giải của một số chuyên gia, “sóng tăng bảo hiểm” không tách rời xu thế tích cực của thị trường chung. Chỉ số VN-Index đã liên tục tăng kể từ tháng 8 tới nay và chính thức vượt ngưỡng 1.400 điểm, rồi xác lập đỉnh mới kể từ ngày thị trường hoạt động.

Do đó, được ví là “của để dành” (ổn định, đầu tư dài hạn), thì việc cổ phiếu bảo hiểm hấp dẫn theo quán tính tăng chung cũng là điều không quá bất thường.

Nhiều cổ phiếu bảo hiểm tăng “chuẩn sóng”, ấn tượng với MIG

Đặc biệt hơn, trong bối cảnh chung nhiều ngành kết quả kinh doanh suy giảm vì đại dịch Covid-19, thì nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn cho doanh thu, lợi nhuận khả quan.

Thống kê cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm đều cho thấy tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2021 tốt hơn hẳn so với cùng kỳ 2020 (xem biểu đồ). Đồng thời, doanh thu thuần phí bảo hiểm cũng tăng tốt trong 9 tháng 2021, ngoại trừ BMI âm nhẹ (-2,2%) so với cùng kỳ 2020.

Nhiều cổ phiếu bảo hiểm tăng “chuẩn sóng”, ấn tượng với MIG
MIC sẽ đẩy nhanh ra đời các sản phẩm mới gắn với nhu cầu lớn từ thị trường.

Hiện tại, MIG tổng doanh thu tính đến 30/9/2021 đạt 2.872 tỷ đồng, tăng trưởng 21,7% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.684 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước, luôn duy trì mức tăng trưởng cao hơn so với thị trường gấp 4 lần, đứng Top 5 về thị phần. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 9 tháng của MIC đạt 186 tỷ đồng.

Riêng mảng kinh doanh bancassurance cũng vẫn ghi nhận những thành tích tốt với doanh thu từ mảng này của các chi nhánh 366 tỷ đồng và tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sự tăng trưởng ấn tượng của MIC có được nhờ đóng góp đáng kể từ các nghiệp vụ bảo hiểm con người và bảo hiểm hàng hải.

Cụ thể, doanh thu bảo hiểm con người đạt 512 tỷ đồng, tăng trưởng 92,3% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu bảo hiểm hàng hải đạt 441 tỷ đồng, tăng trưởng 106% cùng kỳ.

Trong chặng cuối năm, để hoàn thành mục tiêu kinh doanh là áp lực khá lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, bởi đại dịch tác động khá lớn tới các mảng kinh doanh chủ chốt của một số đơn vị, điển hình là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe giảm sâu.

Việc cổ phiếu bảo hiểm có tiếp tục tạo được “sóng tăng” hay không phụ thuộc vào diễn biến chung của thị trường và thực lực của từng doanh nghiệp cụ thể.

Do vậy, nhiều khả năng các cổ phiếu bảo hiểm sẽ có sự phân hóa cao hơn và đi theo diễn biến câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp.

Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp chưa dám quả quyết việc sẽ hoàn thành kế hoạch năm, song đều bày tỏ kỳ vọng lớn về chặng cuối năm về kết quả kinh doanh lẫn xu thế cổ phiếu.

Thông tin với phóng viên, đại diện MIG chia sẻ, trong chặng nước rút cuối năm, MIC sẽ tăng cường kiện toàn và đánh giá lại hệ thống danh mục sản phẩm, phân loại và xây dựng các gói sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng, đặc biệt xây dựng gói combo sản phẩm cho kênh số.

Đồng thời, MIC sẽ đẩy nhanh ra đời các sản phẩm mới gắn với nhu cầu lớn từ thị trường, tiếp tục phát triển hợp tác với đối tác mới, kênh mới, cũng như đẩy mạnh kênh bancassurance của ngân hàng – vốn cho tốc độ tăng trưởng khả quan trong những tháng cuối năm 2021./.