![]() |
Không thể coi tài sản mã hóa là tiền tệ, vì không có giá trị nội tại, giá trị cơ bản. Ảnh tư liệu |
PV: Thống kê cho thấy tại Việt Nam, cứ 5 người thì có 1 người dân sở hữu tài sản mã hóa, tài sản số, cao hơn nhiều nước phát triển. Điều này đặt ra tính cần thiết trong việc thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa ra sao, thưa ông?
![]() |
LS. Trương Thanh Đức: Trước hết, Việt Nam có lực lượng đông đảo đam mê đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, từ bất động sản đến các lĩnh vực tài chính mới, trong đó có tài sản mã hóa. Thực tế, đầu tư và giao dịch tài sản mã hóa đang diễn ra với quy mô lớn, nếu không có cơ chế quản lý thì rủi ro sẽ lớn hơn, thị trường dễ rơi vào tình trạng lộn xộn và Nhà nước không thể thu thuế hiệu quả. Hiện nay, pháp luật không cấm tài sản mã hóa, nhưng chưa có khung pháp lý rõ ràng để đảm bảo tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro.
Bởi thiếu khung pháp lý khiến nhà đầu tư không có cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp hoặc gian lận, nhất là giao dịch với nước ngoài. Cùng với đó, không có quy định cụ thể, việc đầu tư, phát hành, nắm giữ, giao dịch tài sản số diễn ra tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ tội phạm như lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố hay đơn giản nhất là nhà đầu tư mất trắng tài sản mà không có cơ chế xử lý.
Do đó, hành lang pháp lý rõ ràng là cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư trước những rủi ro không đáng có, tạo điều kiện phát triển thị trường minh bạch, mà không cản trở đổi mới sáng tạo, tận dụng cơ hội từ nền kinh tế số, đặc biệt khi xu hướng tài sản mã hóa ngày càng phát triển trên toàn cầu; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ liên quan đến tài chính, thuế và an ninh tiền tệ.
PV: Theo ông, đâu là những yếu tố quan trọng cần lưu ý trong việc quản lý tài sản mã hóa để đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro?
LS. Trương Thanh Đức: Để quản lý sao cho hiệu quả, tôi cho rằng, cần phân biệt rõ các khái niệm như: tài sản số (tài sản kỹ thuật số), tài sản mã hóa, tài sản ảo; tiền điện tử, tiền số, tiền mã hóa, tiền ảo… Bên cạnh đó, không thể coi tài sản mã hóa là tiền tệ, vì không có giá trị nội tại, giá trị cơ bản, không chấp nhận tiền mã hóa như một phương tiện thanh toán hợp pháp, khác với tiền pháp định. Nếu có đồng tiền điện tử, tiền mã hóa là phương tiện thanh toán của quốc gia phải do Nhà nước tạo ra và quản lý, gắn chặt với chính sách tiền tệ quốc gia.
Thí điểm mô hình kinh tế số, thúc đẩy sáng tạo Tiền số thực chất chỉ là một trong vô số sản phẩm tài chính, một loại tài sản kỹ thuật số trong hàng triệu tài sản khác. Chỉ một số ít trong đó có giá trị thực sự và giá trị này chủ yếu dựa trên niềm tin của cộng đồng. Khi có rất nhiều người mua và rất nhiều người bán tạo thành thị trường, nhưng bản thân tiền mã hóa không có giá trị nội tại hay giá trị cơ bản, không tạo ra giá trị thực sự, cũng không thúc đẩy sản xuất hay phát triển. Dù không thể thay thế tiền pháp định, nhưng vẫn có ý nghĩa trong việc thí điểm những mô hình kinh tế số mới và thúc đẩy sự sáng tạo trong lĩnh vực tài chính. |
Ngay cả khi một số quốc gia phát triển đồng tiền pháp định số hóa (CBDC), tiền mã hoá, tiền điện tử vẫn chỉ là một phương tiện hỗ trợ thanh toán, chứ chưa thể thay thế hoàn toàn tiền mặt.
Xét cho cùng, tiền số là thứ ai hiểu biết về công nghệ cũng có thể tạo ra và thị trường tự do, thoải mái giao dịch, không phải do các Chính phủ bảo đảm về giá trị và là biểu hiện của xu thế hội nhập toàn cầu, phản ánh tinh thần đổi mới, sáng tạo công nghệ.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng cần thiết pháp lý hóa tài sản mã hóa, trong đó có tiền mã hoá nhưng không coi đây là phương tiện thanh toán. Xin luật sư giải thích thêm về vấn đề này?
LS. Trương Thanh Đức: Việc xem xét pháp lý đối với tiền số, tiền mã hóa, tiền ảo chỉ giới hạn trong một số khía cạnh nhất định. Theo đó, tiền ảo cần được công nhận như một loại tài sản, cụ thể là tài sản mã hóa, tương tự như tài sản ảo, vật phẩm ảo trong trò chơi điện tử. Tuy nhiên, chỉ nên thừa nhận việc dùng tiền để mua và bán để lấy tiền, chứ không thế cho phép trở thành phương tiện thanh toán phổ biến chính thức, thay thế đồng tiền giấy và tiền số pháp định.
Nếu một quốc gia in tiền mà không có nền tảng kinh tế hỗ trợ, tiền in ra sẽ dẫn đến lạm phát và trở thành giấy lộn, thậm chí có mang cả túi tiền chưa chắc mua nổi ổ bánh mỳ. Tiền mã hóa, tiền ảo thậm chí còn là "siêu giấy lộn", vì dù sở hữu hàng tỷ đồng tiền ảo, nếu không có ai giao dịch thì vô nghĩa. Chẳng hạn, một đồng như Pi chỉ có giá trị khi hàng chục triệu người tham gia đào, giao dịch, tạo nên một thị trường sôi động nhưng trước khi được giao dịch, hoàn toàn vô nghĩa. Thị trường tài sản có thể là bong bóng nhưng dù sao vẫn hữu dụng, vẫn cần thiết trong sản xuất kinh doanh hay đời sống.
Có thể lấy dẫn chứng, tại một trung tâm thương mại, khách hàng có một ít voucher hay một số vật phẩm đổi tại các quầy đổi cơm, phở hay mặt hàng khác. Voucher này được coi là một phương tiện thanh toán nhưng chỉ trong phạm vi nhất định. Nhà nước không cấm những hình thức này, vì không gây ảnh hưởng gì đến an ninh tiền tệ hay nền kinh tế. Các quốc gia cũng có quan điểm tương tự về tiền ảo, lờ đi, không cần thiết phải kiểm soát chặt vì không ảnh hưởng gì đáng kể đến chính sách tiền tệ hay thuế.
Nếu như cởi mở, cho phép tiền số tự do tạo ra như trên trở thành phương tiện thanh toán, cũng tương tự thừa nhận các voucher kể trên cũng như là một phương tiện thanh toán, nhưng chỉ trong một phạm vi nhất định và chỉ thay thế đồng tiền pháp định trong công đoạn trung gian thanh toán nhất định, chứ không phải là thay thế chức năng thanh toán đầu cuối.
PV: Xin cảm ơn luật sư!
Canh bạc đầy rủi ro, quản sớm ngăn hệ luỵ Nhắc lại cách đây 6 năm, khi tổ chức hội thảo về tiền ảo, một chuyên gia đặt câu hỏi: "5 năm nữa, liệu giá Bitcoin sẽ ra sao?", Luật sư Trương Thanh Đức trả lời rằng, Bitcoin có thể tăng lên 1 triệu USD một đồng, cũng có thể về 0, đấy là cách nói phóng đại, nhưng không sai với thực tế biên độ dao động của tiền ảo là vô cùng lớn. Đồng Bitcoin từng lên giá đến hơn 100 ngàn USD, trong khi giá cả nhiều đồng tiền sau khi “sóng sánh” đã trở về gần bằng không đồng hay biến mất. Nỗi lo về tiền ảo chủ yếu xoay quanh các vấn đề như gây rối loạn nền tài chính, tiền tệ, gian lận, trốn thuế, lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố. Chính vì vậy, suốt hàng chục năm qua, nhiều nước vẫn còn do dự giữa việc công nhận và không công nhận, quản lý và không quản lý. Tuy nhiên, vì phức tạp, rủi ro, vì tính chất phổ biến và trào lưu không thể cưỡng lại, càng sớm có khung pháp lý để quản lý, càng giảm rủi ro. Điều quan trọng không phải là công nhận hay không, mà là xác định rõ phạm vi quản lý, cấm đến đâu, cho phép đến đâu, quản lý cái gì để tránh những hệ lụy không kiểm soát được. Hiện nay, mọi người có thể mua bán, phát hành, đào, tặng, tích trữ, tặng cho, thế chấp, để lại thừa kế... tiền ảo thoải mái, miễn là không sử dụng làm phương tiện thanh toán. Tiền ảo là một cuộc chơi lắm cơ hội, nhiều rủi ro, không khác gì đánh bạc và người tham gia phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Các sàn giao dịch tiền ảo có thể được lập ra, có thể được giao dịch hạn chế hoặc tự do thông qua ngân hàng, nhưng không được ảnh hưởng xấu đến mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền và chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. |