Xu hướng sụt giảm vốn FDI vẫn đang tiếp tục
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), những thay đổi trong cam kết vốn FDI tại Việt Nam giai đoạn 2020 - 2022 phù hợp với mô hình quốc tế: năm 2020 được đánh dấu bằng mức cam kết FDI thấp, tăng vào năm 2021 khi nhiều nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19, nhưng các cam kết dự kiến sẽ giảm trở lại vào năm 2022 do lo ngại rủi ro gia tăng trong bối cảnh xung đột tại Ukraine. Thống kê cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký tổng cộng 27,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp trong năm 2022, giảm 11% so với năm 2021, mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Thế Dương |
Cam kết vốn FDI tiếp tục có xu hướng giảm trong quý I/2023, trong khi giải ngân bắt đầu chậm lại. Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Cam kết FDI giảm 40% so với cùng kỳ trong quý I/2023 - quý thứ 5 liên tiếp cam kết FDI giảm. Giải ngân vốn FDI quý I/2023 giảm 38% so với qúy IV/2022 và giảm 2,3% (so với cùng kỳ).
Theo các chuyên gia của WB, xu hướng sụt giảm FDI này phản ánh sự bất định gia tăng liên quan đến triển vọng kinh tế toàn cầu và việc thắt chặt các điều kiện tài chính để kiểm soát lạm phát ở các nền kinh tế phát triển.
Còn theo ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, sự sụt giảm này ngoài những lý do mang tính chất thời vụ như dịch Covid-19, nhu cầu trên thế giới giảm đi, các nền kinh tế cung cấp FDI cho Việt Nam đang suy thoái thì lý do còn là việc tái cấu trúc của dòng vốn FDI.
Ông Cường cho biết, trên thế giới đang có quá trình tái cấu trúc lại dòng chảy thương mại dẫn tới tái cấu trúc dòng chảy của luồng vốn FDI toàn cầu. Nguyên nhân là do sự gia tăng của mâu thuẫn địa chính trị trước dịch Covid-19 đã xuất hiện và trong dịch Covid-19 càng thể hiện rõ hơn. Điển hình như thương mại về điện tử bán dẫn, trước đây có sự liên kết rất mạnh nhưng hiện nay đã tách hẳn ra vì nó liên quan nhiều đến an ninh, chính trị. Đồng thời, trong quá trình mâu thuẫn địa chính trị đó, xuất hiện những cực thương mại và đầu tư ở châu Á và trên thế giới. Đặc biệt trong thu hút FDI, Ấn Độ đang là nổi lên trở thành một trong những cực thu hút FDI rất mạnh.
Thay đổi chiến lược thu hút FDI thế nào?
Trước xu hướng sụt giảm thu hút FDI vẫn đang tiếp tục trong năm 2023, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường, một trong những chiến lược ứng phó là Việt Nam phải chuyển nhanh trên mức thang giá trị của chuỗi sản xuất. Bởi vì nếu Việt Nam không chuyển nhanh lên từ sản xuất đòi hỏi lao động đơn giản lên những mức độ cao hơn thì có thể sẽ bị tụt hậu trong xu hướng tái cấu trúc thương mại và đầu tư đang diễn ra trên thế giới.
Thêm vào đó, chiến lược thu hút FDI của Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi từ việc tập trung vào những dự án lớn, những tập đoàn lớn hay tập trung vào những biện pháp về thuế như giãn thuế, giảm thuế. Tất cả những điều này có thể sẽ không còn phù hợp trong thời gian tới bởi vì mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ được áp dụng từ năm 2024 nên Việt Nam sẽ mất đi lợi thế đó.
FDI vẫn là một động lực tăng trưởng kinh tế 2023 Theo bà Dorsati Madani, xét về cam kết FDI (tức ý định đầu tư) thì 2-3 năm qua do cuộc khủng hoảng từ dịch Covid-19, xung đột địa chính trị khiến bất định toàn cầu tăng nên FDI trên toàn thế giới đều giảm. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nhưng hứa hẹn với Việt Nam là việc triển khai nguồn vốn cam kết đã tăng nhiều trong năm 2022 và đây là điều quan trọng vì hứa hẹn đầu tư được hiện thực hoá. Thu hút FDI vẫn là một trong các động lực tăng trưởng năm 2023 của kinh tế Việt Nam. |
Vậy lợi thế của Việt Nam ở đâu? Rõ ràng lợi thế thu hút FDI của Việt Nam nằm trong chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân. Thu hút FDI có thể hướng đến các dự án tầm trung thay vì cạnh tranh với các nước để thu hút dòng vốn với các dự án lớn. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện đang thiếu vắng bóng dáng của doanh nghiệp vừa. Việt Nam có tới 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 800 nghìn doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Doanh nghiệp vừa rất ít. Vì vậy, theo ông Cường, cần có sự kết hợp giữa chính sách thu hút FDI với chính sách phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam đối với doanh nghiệp vừa, qua đó sẽ tạo lợi thế hút vốn FDI cạnh tranh với các quốc gia khác.
Ngoài ra, theo vị Kinh tế trưởng của ADB việc thu hút FDI cũng cần hướng vào các lĩnh vực như sản xuất xanh, chuyển đổi năng lượng. Đó là những định hướng mới trong thu hút FDI.
Trả lời câu hỏi Việt Nam cần làm gì trong thu hút FDI, bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam nhấn mạnh, nếu có thể tự do hoá khu vực dịch vụ thì có rất nhiều hứa hẹn triển vọng FDI sẽ đổ vào khu vực dịch vụ của Việt Nam như: viễn thông, logistics, ngành nghề chuyên môn, dịch vụ chuyên môn mà Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu. Đây là những lĩnh vực chưa được khai thác tối đa và Việt Nam chưa được hưởng lợi tối đa do những hạn chế về thương mại dịch vụ hiện có.
Tiếp theo, trong thời gian tới khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và cao thì sẽ không chỉ thu hút những FDI thông thường như mấy thập kỷ qua, mà quan trọng là cần phải cân nhắc thu hút những FDI liên quan tới tri thức và đổi mới sáng tạo nhiều hơn. Tức là những doanh nghiệp FDI mang đến không phải chỉ máy móc để sản xuất quần áo mà quan trọng là thiết kế, công nghệ, chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức và những đổi mới mang tính đột phá mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng và sử dụng trong quá trình sản xuất của họ trong thời gian tới.
Cần cải cách thể chế hơn là ưu đãi thuế để thu hút vốn FDI Theo Kinh tế trưởng của ADB Việt Nam Nguyễn Minh Cường, lâu nay, Việt Nam cũng như các nước khác thực hiện thu hút FDI bằng việc giảm thuế. Những hệ lụy đã xảy ra rất rõ với Việt Nam, đó là vấn đề chuyển giá để trốn thuế của các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, câu chuyện đặt ra với Việt Nam là có nên tiếp tục dựa mãi vào cắt giảm thuế để thu hút FDI không hay cần những hỗ trợ khác? Theo ông Cường, nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, điều họ quan tâm nhất là vấn đề thể chế. Thuế là một trong những điều kiện đối với những lĩnh vực sản xuất thâm dụng nhiều lao động. Nhưng đối với những lĩnh vực sản xuất cao thì điều nhà đầu tư quan tâm hàng đầu là vấn đề thể chế, liên quan đến thời gian, chi phí mà doanh nghiệp phải thực hiện. Thời gian thực hiện dự án của nhà đầu tư giảm đi thì lợi ích đem lại còn lớn hơn rất nhiều việc được giảm thuế. Bên cạnh đó, theo báo cáo Điểm lại tháng 3/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam có thể giảm hơn nữa những hạn chế về thương mại dịch vụ và sự tham gia của đầu tư nước ngoài. Chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, những lĩnh vực dịch vụ “xương sống” - như viễn thông, kho vận (logistics), hàng không, dịch vụ pháp lý, ngân hàng và bảo hiểm… vẫn phải đang đối mặt với nhiều rào cản hạn chế lớn. Do vậy, theo WB, trong thời gian tới các cấp có thẩm quyền cần cân nhắc giảm rào cản gia nhập của vốn FDI vì công nghệ và đổi mới sáng tạo phụ thuộc vào khả năng tiếp cận tri thức, các mạng lưới, con người, hàng hóa và dịch vụ mà có thể lan tỏa tri thức đi khắp thế giới; thực hiện những cải cách về môi trường kinh doanh để nâng cao cạnh tranh và khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước. |