Tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và chống thất thu thuế Chính sách hỗ trợ của Việt Nam cao hơn nhiều các nước cùng quy mô kinh tế Bộ Tài chính rà soát, sửa nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc triển khai các chính sách tài khoá, thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43) của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: Nghị quyết 43 có thể nói là một giải pháp hết sức quan trọng mà Quốc hội, Chính phủ đã đồng hành, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và người dân trước tác động của dịch Covid-19 và những biến động của thị trường kinh tế trong nước và thế giới.

Ngay sau khi Nghị quyết 43 được Quốc hội ban hành, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó về chính sách tài khóa, trong vòng mười mấy ngày sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nghị quyết về miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp.

Kể từ đó đến nay, trong năm 2022, chúng ta đã thực hiện miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp khoảng 200 nghìn tỷ đồng và năm 2023 chúng ta tiếp tục thực hiện khoảng 200 nghìn tỷ đồng nữa.

Phát triển thị trường vốn dài hạn cùng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023.

Một chính sách nữa được triển khai tương đối tích cực trong thời gian qua là tín dụng hỗ trợ cho các hộ nghèo và người lao động, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Chúng ta thực hiện giải ngân được khoảng 60 - 70% quy mô mà Quốc hội đã quyết nghị.

Đối với chính sách về đầu tư công, thời gian vừa qua chúng ta cũng đã triển khai tuy nhiên tiến độ còn chậm so với yêu cầu. Quốc hội cũng đã có những giải pháp để cho phép Chính phủ điều chỉnh linh hoạt vốn của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và vốn ngân sách nhà nước để thúc đẩy giải ngân các khoản chi này, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Một chính sách nữa là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp 2% thì thực sự triển khai hết sức chậm. Điều này xuất phát từ cả phía ngân hàng và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với chính sách này, do lo ngại việc triển khai thực hiện có thể dẫn tới việc kiểm tra, kiểm soát sau này của các cơ quan chức năng.

PV: Một trong những khó khăn với doanh nghiệp hiện nay là khả năng tiếp cận vốn. Trong khi đó, kênh cấp vốn cho doanh nghiệp được cho là vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Vậy chúng ta làm thế nào để khơi thông kênh cấp vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu để có thêm nguồn vốn cho doanh nghiệp, thưa ông?

Những năm gần đây, thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng đáng kể, từ đó, cung cấp thêm nguồn vốn quan trọng cho doanh nghiệp, góp phần “chia lửa” với kênh cung ứng vốn truyền thống từ tín dụng ngân hàng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: Khi nói đến kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, chúng ta nói kênh tín dụng ngân hàng đang chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, nếu tính quy mô thị trường chứng khoán và quy mô thị trường trái phiếu hiện tại, thì các kênh này cũng gần tương đương kênh tín dụng.

Riêng kênh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong thời gian vừa qua chịu tác động của những biến cố trên thị trường này. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Chính phủ hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kết nối họ với nhau, tạo thông tin thông suốt, tránh tâm lý hoang mang trên thị trường, qua đó củng cố niềm tin thị trường.

Cũng trong tháng 7 vừa qua, chúng tôi cũng thiết lập kênh giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đến nay đã có khoảng hơn 1.600 mã doanh trái phiếu doanh nghiệp đang được giao dịch trên thị trường với quy mô giao dịch hàng ngày vài nghìn tỷ đồng. Đây là kênh quan trọng để tạo sự thanh khoản trên thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường và củng cố niềm tin cho thị trường, giúp thị trường này phát triển. Đây là thị trường có định hướng phát triển đúng, từ đó chúng ta sẽ phát triển thị trường vốn dài hạn thông qua thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu thay vì thị trường tín dụng mang tính ngắn hạn.

Phát triển thị trường vốn dài hạn cùng

Lễ khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ngày 19/7/2023.

PV: Thảo luận tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp đang rất khó khăn. Vậy thời gian tới đây, chúng ta có thêm các chính sách tài khoá gì để hỗ trợ doanh nghiệp hay không, thưa ông?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, để từ đó chúng ta có thể có những điều chỉnh chính sách tài khóa cho phù hợp. Theo đó, vừa đảm bảo giải quyết các khó khăn cho cho nền kinh tế, cũng đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, trên tinh thần lợi ích thì hài hòa, rủi ro, khó khăn thì chia sẻ giữa nhà nước và doanh nghiệp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!