Chùm ảnh: Hoạt động của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trong chuyến công tác tại Bình Định |
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 30/9. Ảnh: Minh Anh |
Kỳ họp thứ 8 quyết sách nhiều vấn đề lớn của đất nước
Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội, bà Lý Tiết Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã thông tin đến cử tri về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Bà Lý Tiết Hạnh cho biết, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 30/11/2024. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21/10 đến 13/11/2024; Đợt 2 từ ngày 20/11 đến 30/11/2024.
Kiến nghị của cử tri đã được giải quyếtNhiều vấn đề của cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị qua các cuộc tiếp xúc cử tri đã được giải quyết. Đáng chú ý đó là việc chuyển giao trụ sở của các cơ quan trung ương về cho địa phương quản lý. Đến nay đã có 5/6 cơ sở của Trung ương đã được giao lại cho tỉnh Bình Định quản lý, như: Trụ sở làm việc của TAND huyện Tây Sơn, trụ sở làm việc của 2 đơn vị bảo hiểm của huyện An Lão và An Nhơn… |
Dự kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung. Trong đó có 29 nội dung về công tác lập pháp. 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền. Về công tác lập pháp, Quốc hội xem xét thông qua 16 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Trong 16 dự án luật đề xuất xem xét, thông qua, đáng chú ý có dự án Luật: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); 1 luật sửa 7 luật do Bộ Tài chính chủ trì, soạn thảo đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Sau phần kiến nghị của cử tri, thay mặt đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu các kiến nghị của cử tri và chuyển tới các cơ quan chuyên môn, đồng thời giám sát, đôn đốc thực hiện các kiến nghị của cử tri.
Chia sẻ với cử tri tỉnh Bình Định về tình hình thiệt hại cho cơn bão số 3 gây ra cho nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, những mất mát người và tài sản trong cơn bão số 3 vừa qua là vô cùng lớn, ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế- xã hội của nước ta. Theo ước tính thiệt hại gần 82 nghìn tỷ đồng, nhiều người mất, bị thương. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, kịp thời. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp gạo, hàng dự trữ quốc gia. Theo đó, xuất cấp 400 tấn gạo cho các tỉnh bị lũ lụt; xuất cấp nhiều thiết bị dự trữ quốc gia như phông bạt, máy phát điện, phao cứu sinh; đề xuất từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hơn 400 tỷ đồng cho các địa phương bị thiệt hại bởi bão lũ.
Tin tưởng vào “bức tranh” kinh tế sáng
Tại cuộc tiếp xúc với cử tri tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vui mừng thông tin đến cử tri về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng qua. Theo đó, dự kiến bình quân cả năm GDP tăng khoảng 6,5%, là mức tăng trưởng cao so với khu vực Đông Nam Á. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng năm 2024 ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về việc tại sao tăng thu NSNN tăng cao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã đổi mới công tác thu NSNN, trong đó, tập trung phân tích dữ liệu lớn, phát hành hóa đơn điện tử, tăng thu từ thương mại điện tử trong nước và nước ngoài, thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản, cơ quan thuế thực hiện thành công phát hành hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán hàng, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền…
“Nhờ đó, kết quả thu NSNN tăng so với cùng kỳ năm ngoái. 4 năm nay, Bộ Tài chính luôn tham mưu Chính phủ triển khai các giải pháp giảm thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất, trung bình mỗi năm khoảng 200 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo sự bền vững của nền kinh tế” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nhờ triển khai các giải pháp tăng thu NSNN, thu NSNN những năm qua tổng cộng lên tới hàng triệu tỷ đồng, số tiền này đầu tư trở lại nền kinh tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đường cao tốc, sân bay, bến cảng… Những đột phá về cơ sở hạ tầng, đường cao tốc gần 4 năm qua đã minh chứng điều này. Chính phủ phấn đấu hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào năm 2025.
Về kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến lạm phát cả năm dưới 4%; hết năm dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, tăng 17,5%, xuất siêu gần 30 tỷ USD. Cả năm dự kiến bội chi dưới 4% GDP, nợ công 3,7% GDP.
Về công tác xây dựng pháp luật, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, Chính phủ trình Quốc hội một số luật mang tính nền tảng, tạo động lực cho đột phá giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi một số luật thuế, 1 luật sửa 7 luật, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc và chồng chéo, nhằm giải phóng nguồn lực, tạo bứt phá cho kinh tế phát triển.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh, thời điểm này, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, cho sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước. Chính phủ quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư đi nhanh hơn, phát triển mạnh hơn, đem lại lợi ích cho nhân dân, vì nhân dân”.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự Lễ công bố huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023Sáng 1/10, tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự Lễ công bố huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, sau gần 15 năm triển khai thực hiện trên cả nước, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và tích cực. Kinh tế nông thôn, trong đó có sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển mạnh, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, cả nước có trên 6.292 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,1% số xã; trong đó, có 2.163 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 471 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 11 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Tây Sơn là huyện thứ 6 của tỉnh Bình Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định nói chung, huyện Tây Sơn nói riêng đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục phát huy những thành tưu đã đạt được; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và động viên mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững../. |