Các chỉ số có sự thay đổi, cải thiện
Cụ thể, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Quảng Ninh đã tăng 1,27% so với năm 2023, đạt 87,12%. Thêm vào đó, tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã đạt 95,97%, tăng 0,69% so với năm trước.
![]() |
Quang cảnh Hội nghị công bố kết quả xếp hạng các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI năm 2024 của các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh T.D |
Một điểm nổi bật khác là chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI), với giá trị trung bình đạt 92,29%, tăng 1,29% so với năm 2023. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng quản lý hành chính, đảm bảo sự ổn định và hiệu quả trong công tác phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, chỉ số chuyển đổi số (DTI) cũng đã có sự cải thiện rõ rệt, với mức tăng từ 9,1% đến 21%, cho thấy các cơ quan và địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền.
Tỉnh Quảng Ninh là một trong số ít những tỉnh triển khai đánh giá Chỉ số cải cách hành chính đối với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. |
Sớm loại bỏ những thủ tục hành chính đang là rào cản
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, tỉnh Quảng Ninh cũng không thiếu những thách thức trong quá trình triển khai cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số. Một trong những vấn đề đáng chú ý là tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính. Theo khảo sát, có 2,20% số người dân phản ánh về việc hồ sơ của họ bị giải quyết trễ hẹn. Điều này cho thấy dù các chỉ số cải cách hành chính đã có sự cải thiện.
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Đức Ấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Tiến Dũng |
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng chi phí không chính thức còn tồn tại, chiếm tỷ lệ 31,32%. Dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát và giảm thiểu chi phí không chính thức, nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số lĩnh vực, đặc biệt là trong các thủ tục liên quan đến đất đai và xây dựng. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc phát triển sản xuất kinh doanh và tiếp cận nguồn lực.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Đức Ấn, đã nhấn mạnh rằng tỉnh cần tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm thiểu thời gian xử lý. Mục tiêu là giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong năm 2025.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ và dữ liệu số trong quản lý hành chính, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, và nâng cao hiệu quả công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh cần phải tiếp tục cải thiện các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và đảm bảo các thủ tục hành chính được thực hiện đúng hạn, không có sự trì hoãn hay gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần tích cực khắc phục tình trạng chi phí không chính thức, tạo môi trường đầu tư minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhận có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024". Ảnh T.D |
Tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tăng cường công tác giám sát, đánh giá, và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước để đảm bảo chất lượng công tác cải cách hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả công tác phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị ngay sau hội nghị, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá để nghiêm túc nhận diện về những tồn tại, hạn chế; xác định trách nhiệm của đơn vị, cá nhân. |