Quảng Ninh đứng đầu về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2022 Quảng Ninh điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước |
Đa dạng hóa sản phẩm
Khai thác điều kiện thuận lợi về hạ tầng, phục hồi thị trường quốc tế, nhu cầu vui chơi của người dân tăng cao... , tỉnh Quảng Ninh dự kiến đưa 38 sản phẩm du lịch mới gắn liền với các địa phương vào khai thác nhằm tạo sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn du khách.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Quảng Ninh. Ảnh: Thế An. |
Tại TP. Hạ Long, thành phố sẽ sẽ tổ chức Tuần du lịch Hạ Long (từ 29/4 đến 3/5), trong đó, điểm nhấn là chương trình Carnaval Hạ Long 2023, với chủ đề “Vũ điệu Hạ Long - Hòa nhịp năm châu”.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao như: Triển lãm ảnh nghệ thuật tại Bảo tàng Quảng Ninh; Lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn; chương trình ca nhạc và công bố sản phẩm du lịch mới, tham quan, ngắm cảnh check in Hồ Hải Thịnh; lễ hội thả diều; biểu diễn dân vũ với chủ đề “Phụ nữ Hạ Long - Vũ điệu bên bờ Di sản”...
Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đón 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu lượt với tổng thu từ du lịch đạt 27.000 tỷ đồng. Quý I/2023, Quảng Ninh đón 4,85 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 283.000 lượt với tổng doanh thu du lịch trên 8.500 tỷ đồng |
Đặc biệt, năm nay thành phố sẽ đưa vào hoạt động phố đi bộ tại khu vực chùa Long Tiên, qua đó, gia tăng các sản phẩm du lịch về đêm, nhất là dịp cuối tuần, cung cấp tới du khách các dịch vụ về ẩm thực, mua sắm, biểu diễn nghệ thuật…
Sau khi đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào hoạt động, TP. Móng Cái đang là điểm đến thú vị cho du khách. Ngoài 4 tuyến và 15 điểm du lịch được công nhận, thành phố sẽ tổ chức sản phẩm du lịch trải nghiệm nông trại Nhật Vượng tại thôn 13, xã Hải Xuân; thung lũng tình yêu tại thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn; phiên chợ vùng cao Pò Hèn...
Cùng với đó, thành phố đang đầu tư hạ tầng du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách như: Đường dạo ven biển Trà Cổ - Bình Ngọc (giai đoạn II); chỉnh trang núi Tổ Sơn (phường Hòa Lạc); quảng trường gắn với biểu tượng Mẹ Âu Cơ và đền thờ Lạc Long Quân tại mũi Sa Vĩ (phường Trà Cổ)…
Khai thác thế mạnh về biển đảo, năm nay, huyện Cô Tô sẽ đưa sản phẩm du lịch lặn biển thể thao giải trí tại xã Thanh Lân; cắm trại du lịch tại bãi biển Ba Châu, thôn 1, xã Thanh Lân; tham quan các đảo Cô Tô, Thanh Lân, Cô Tô con, Cá Chép... vào khai thác.
Phát huy tiềm năng du lịch nông thôn
Từ mô hình du lịch nông nghiệp được biết đến cách đây gần chục năm trước, với điển hình đầu tiên là làng quê Yên Đức (thị xã Đông Triều), đến nay, Quảng Ninh đã có nhiều mô hình nông nghiệp - du lịch như thế, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đa dạng hóa sản phẩm.
Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa truyền thống đậm nét của đồng bào các dân tộc, hạ tầng đầu tư đồng bộ, những năm gần đây, huyện Bình Liêu là một điểm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, huyện Bình Liêu chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Đồng thời, tập trung làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có, tiếp tục tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao với lợi thế về cảnh quan và đặc trưng của các dân tộc xuyên suốt trong cả năm.
Cụ thể, mùa xuân, hạ có Lễ hội đình Lục Nà, Tuần Văn hóa - Thể thao, hội Soóng Cọ, hội Kiêng gió năm 2023; mùa thu, đông huyện có hoạt động du lịch chào mùa thu Bình Liêu vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Tuần Văn hóa - Du lịch, hội Mùa vàng Bình Liêu, hội Hoa Sở.
Đêm hội lửa trại cùng đồng bào dân tộc thiểu số là một hoạt động thú vị dành cho du khách khi đến với Quảng Ninh. Ảnh: Tuấn Ngọc Quỳnh. |
Quảng Ninh sẽ tiếp tục ký kết các thỏa thuận hợp tác với một số địa phương: Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai...; đẩy mạnh truyền thông mạnh mẽ; nâng cao chất lượng dịch vụ; liên kết với các đơn vị lữ hành lớn của Việt Nam tập trung khai thác thị trường trong nước với du khách phía Nam khi mở đường bay Vân Đồn - Cần Thơ; tận dụng mọi cơ hội để mở rộng thị trường quốc tế... |
Cùng với việc nuôi trồng thủy sản, thử nghiệm một số ứng dụng khoa học vào sản xuất, thời gian qua, khu nuôi trồng thủy sản của hợp tác xã (HTX) Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn thí điểm triển khai đón du khách đến trải nghiệm. Với 2ha trồng rong biển xen nuôi hầu, 2 ha nuôi hầu treo dây và gần 20 ô lồng nuôi cá biển thương phẩm các loại song, giò, mú, sủ, rìa..., HTX đã liên kết với 30 hộ dân khác trong khu vực đầu tư đạt chuẩn phục vụ du lịch.
Tại đây, du khách có thể đi bộ tham quan các bè nuôi trồng thủy sản, học tập kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, trải nghiệm dịch vụ thu hoạch sản phẩm. Đáng chú ý, du khách có thể được trải nghiệm thu hoạch rong, sơ chế, phơi khô, cũng như thưởng thức các món ăn chế biến từ rong sụn...
Khai thác thế mạnh của vùng trồng cam, những năm gần đây, huyện Vân Đồn là điểm đến hấp dẫn du khách mong muốn trải nghiệm du lịch sinh thái. Với hơn 11ha trồng cam, trong đó có nhiều cây cổ thụ đẹp mắt, vườn cam 68 của anh Trần Văn Hậu (thôn Cái Bầu, xã Vạn Yên) đón lượng lớn khách đến tham quan, trải nghiệm, vui chơi. Tại đây, du khách có thể tự tay hái quả, check-in, đến bữa thì ngồi ngay dưới gốc cam, cùng nhau thưởng thức món gà nướng do chính người dân nơi đây cung cấp; khi về thì mua làm quà...
Du khách trải nghiệm tại Kỳ Thượng Am Váp farm. Ảnh: Tuấn Ngọc Quỳnh. |
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, điểm đến là các mô hình du lịch nông nghiệp thu hút du khách trong và ngoài tỉnh mỗi dịp cuối tuần, lễ, tết như: đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà); trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, xã Thống Nhất, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi, Kỳ Thượng Am Váp farm (TP. Hạ Long); trang trại rau an toàn của Công ty CP Đầu tư Song Hành (Thị xã Quảng Yên)…
Với nhiều sản phẩm độc đáo, Quảng Ninh luôn là điểm đến hấp dẫn du khách, từ đó, góp phần hướng tới sự phát triển bền vững, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, đưa ngành “công nghiệp không khói” của địa phương này vươn tầm đẳng cấp quốc tế./.