Quảng Ninh: Số thu tiền sử dụng đất của thành phố Hạ Long đạt mức thấp Quảng Ninh: Công bố sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã Quảng Ninh dự kiến ban hành quy định liên quan đến quản lý tiền công đức trong quý IV/2024

Vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư

Theo định hướng quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ninh, huyện Đầm Hà đã được xác định là Đô thị - Trung tâm của cánh phía Đông tỉnh Quảng Ninh; là bộ phận cấu thành của tiểu vùng các Khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc, phát triển đặt trong khu vực phát triển năng động gồm các Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô – Đồng Văn và Khu kinh tế Vân Đồn.

Quảng Ninh: Nhiều tiềm năm phát triển cụm công nghiệp tại Đầm Hà
Với vị trí thuận lợi, Đầm Hà có nhiều tiềm năng thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư.

9 tháng năm 2024, tổng giá trị sản xuất của huyện Đầm Hà đạt gần 7.000 tỷ đồng, bằng 70,5% kế hoạch năm, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt trên 2.500 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt gần 2.100 tỷ đồng; giá trị sản xuất khu vực dịch vụ đạt trên 2.300 tỷ đồng. Thu ngân sách đạt trên 55,6 tỷ đồng.

Do đó, huyện Đầm Hà là khu vực có tiềm năng phát triển lớn về mặt thương mại mậu dịch quốc tế, phát triển du lịch, công nghiệp, logistic và bố trí trọng điểm chế biến là công nghiệp chế biến công nghệ cao hướng tới các mặt hàng kinh tế cao, vùng có môi trường phát triển bền vững đảm bảo an ninh quốc phòng.

Bên cạnh đó, huyện Đầm Hà còn có vị trí thuận lợi về kết nối giao thông với Quốc lộ 18, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo Chính phủ kế hoạch nghiên cứu quy hoạch hai tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái kết nối Trung Quốc.

Trong đó, Dự án tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái có chiều dài khoảng 187km, thuộc tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định, có điểm đầu tại ga Nam Đình Vũ (phường Hải An, TP Hải Phòng), điểm cuối tại điểm nối ray gần khu vực cầu Bắc Luân (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Tuyến kết nối các tỉnh ven biển phía Bắc và kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Nằm trên trục đường sắt này, có điểm ga đỗ đặt tại huyện Đầm Hà, rất thuận tiện cho cho vận tải logictic đường sắt từ Đầm Hà đi Trung Quốc và cảng biển Hải Phòng.

Đặc biệt, huyện Đầm Hà rất gần với Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái nên rất thuận lợi đón dòng vốn FDI liên quan đến thị trường tỷ dân này.

Cơ hội cho các nhà đầu tư

Hiện huyện Đầm Hà đã và đang tập trung triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt và huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư. Đã có nhiều dự án trọng điểm được phê duyệt như Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trên đảo Núi Cuống diện tích 1000 ha; Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản; tiếp tục hoàn thiện đầu tư dự án khu nghỉ mát du lịch sinh thái Đảo Đá Dựng; …

Về cụm công nghiệp, hiện Đầm Hà mới có một cụm công nghiệp đầu tiên được triển khai là Cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B đặt tại xã Tân Bình, huyện Đầm Hà, do Công ty CP Shinec (Shinec) làm chủ đầu tư có quy mô 60,01ha. Đây là Cụm công nghiệp tổng hợp được thành lập theo Quyết định số 4103/QĐ-UBND ngày 27/12/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 18/6/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định số 1781/QĐ-UBND, chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Nhà đầu tư “Dự án Đầu tư, xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B”.

Quảng Ninh: Nhiều tiềm năm phát triển cụm công nghiệp tại Đầm Hà
Phối cảnh CCN phía Đông Đầm Hà B.

Cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B có tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 514 tỷ đồng với mục tiêu là đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng để thu hút các ngành công nghiệp nhẹ; công nghiệp sạch như chế biến nông - lâm sản; công nghiệp phụ trợ, sản xuất thiết bị điện tử, cơ khí, ...; thu hút các nhà đầu tư, các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Đầm Hà cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B chỉ cách quốc lộ 18 – 200m, cách đường Cao tốc Hải Phòng – Móng Cái 9km, cách cửa khẩu Quốc tế Móng Cái 50km. Cụm công nghiệp còn kết nối với sân bay Vân Đồn thông qua tuyến cao tốc, khoảng cách chỉ khoảng 40km. Cụm còn gần các cảng biển lớn (chỉ cách Cảng biển Hải Hà khoảng 50km).

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B, Bà Đỗ Thị Ninh Hường, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà cho biết, CCN phía Đông Đầm Hà B hứa hẹn là một dự án động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện và là tiền đề để huyện tiếp tục thu hút các nhà đầu tư triển khai đối với các CCN khác theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Do đó, Công ty Cổ phần Shinec - Chủ đầu tư CCN phía Đông Đầm Hà B, phải có trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, quy mô và các nội dung theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh và các cam kết với huyện.

Quảng Ninh: Nhiều tiềm năm phát triển cụm công nghiệp tại Đầm Hà
Lễ ký kết hợp tác giữa Shinec với các đơn vị xúc tiến đầu tư để cung ứng dịch vụ quảng bá và giới thiệu cho thuê đất thuộc CCN phía Đông Đầm Hà B.

Huyện Đầm Hà sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện; tạo môi trường thuận lợi xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch, gắn với thực hiện mục tiêu đưa Đầm Hà trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh, trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh....

Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục phát triển các cụm công nghiệp đã được quy hoạch gắn với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề. Khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản; gắn triển khai quy hoạch với bảo vệ môi trường, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"Với thông điệp “chân thành kêu gọi, sẵn sàng hợp tác, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp”, cùng với cách tiếp cận lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chúng tôi sẽ luôn cùng đồng hành và cam kết dành cho các nhà đầu tư những điều kiện thuận lợi nhất có thể trong quá trình đầu tư" - Bà Hường khẳng định.

Dự kiến, trong quý IV/2024, sau khi được bàn giao mặt bằng, Shinec sẽ bắt đầu xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B. Đến hết quý II/2025, sẽ hoàn thành đầu tư hạ tầng dự án và đi vào hoạt động, đưa cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của huyện; tạo việc làm ổn định cho khoảng 2.000 đến 3.000 lao động. Bên cạnh các quỹ đất dành cho cây xanh và hạ tầng, dịch vụ trong Cụm công nghiệp, chủ đầu tư sẽ bố trí gần 3 ha quỹ đất công nghiệp để thực hiện di dời các nhà xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi... vào cụm công nghiệp.