Quảng Ninh ưu tiên quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội Bà Trịnh Thị Minh Thanh điều hành Tỉnh ủy Quảng Ninh Vịnh Bái Tử Long – “Viên ngọc” tiềm năng của du lịch Quảng Ninh

Kể từ thời điểm xây dựng khu công nghiệp (KCN) Cái Lân - KCN đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh (1997), đến nay, Quảng Ninh đã có tổng số 15 KCN đã và đang triển khai đầu tư. Trong đó, có 8 KCN đang khai thác, vận hành hiệu quả, là nơi hoạt động sản xuất của hơn 120 nhà đầu tư thứ cấp chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp từ 3-5% tăng trưởng GRDP của tỉnh mỗi năm.

Hiện, tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển các KCN theo chiều sâu, theo đó, các KCN được đẩy mạnh phát triển bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Như tại khu vực miền Đông của tỉnh, các KCN Hải Yên, TP Móng Cái; KCN Texhong, huyện Hải Hà đã đảm bảo tốt các điều kiện về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hút được 31 nhà đầu tư thứ cấp đã và đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho gần 16.000 lao động.

Khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) tỷ lệ lấp đầy hiện đạt 86,05%
Khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) có tỷ lệ lấp đầy hiện đạt 86,05%. Ảnh: Tiến Dũng.

Tại khu vực TP Hạ Long, KCN Cái Lân và KCN Việt Hưng đã ổn định về hạ tầng, là chỗ hoạt động lâu dài cho 41 dự án. Tuy nhiên tại KCN Cái Lân, đa phần là các doanh nghiệp đã được thu hút từ lâu, công nghệ lạc hậu, các dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động còn thiếu.

Khu vực tập trung đông KCN nhất toàn tỉnh đó là TX Quảng Yên với 4 KCN còn lại. Trong đó, KCN Đông Mai đã đáp ứng cơ bản về hạ tầng kỹ thuật phục vụ 26 dự án của các nhà đầu tư thứ cấp phát triển, tỷ lệ lấp đầy hiện đạt 86,05%. Để đón đầu xu hướng phát triển mới, chủ đầu tư đang đề nghị điều chỉnh mở rộng, thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp mới.

Đối với KCN Sông Khoai, do tính chất vị trí trung tâm, hạ tầng đầu tư mới, dư địa phát triển tốt, vì thế đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư quốc tế. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thành các tuyến đường gom, đường nội bộ, hạ tầng điện, nước và xử lý nước thải. KCN Sông Khoai giai đoạn 1 đã có 16 dự án FDI triển khai đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,5 tỷ USD, tỷ lệ lấp đầy đã đạt 100%. Tuy nhiên, năng lực cung cấp điện cho KCN hiện còn thiếu, chỉ đáp ứng được thời gian trước mắt và cần bổ sung lâu dài. Trong giai đoạn tiếp theo, chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thành hạ tầng các phân khu còn lại để tạo mặt bằng cho nhà đầu tư phát triển.

Đối với 2 KCN Nam, Bắc Tiền Phong, hiện chủ đầu tư vẫn đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng cơ sở, tuy nhiên đến nay cũng đã đón được 21 nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động, triển khai xây dựng hạ tầng để bắt đầu sản xuất.

Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đến các KCN như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, cầu Bến Rừng, trục cao tốc dọc tỉnh nối liền Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng chủ động đề xuất với Bộ Công Thương, ngành điện bổ sung năng lực cung cấp điện phục vụ các KCN phát triển…