Quỹ bảo lãnh tín dụng được kỳ vọng tiếp vốn cho doanh nghiệp nhỏ
Các rào cản về tiêu chuẩn tín dụng đang làm khó các doanh nghiệp nhỏ trong tiếp cận vốn ngân hàng. Ảnh: TL

Dòng vốn vẫn dồi dào

Thời gian gần đây dòng vốn ngân hàng đã có phần khơi thông hơn, nhưng yêu cầu thúc đẩy vốn ra nền kinh tế vẫn còn cao, đặc biệt là trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn rất “khát” vốn để đáp ứng các nhu cầu kinh doanh cuối năm, cũng như nắm bắt xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Về bối cảnh dòng vốn tại các ngân hàng, nguồn cung dồi dào thể hiện khá rõ ở mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lẫn thị trường ngoài khu vực dân cư. Tại thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm vẫn đang ở mức rất thấp chỉ dưới 1%/năm, thấp hơn rất nhiều so với trần lãi suất 5% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tại thị trường dân cư, từ đầu tháng 11, các ngân hàng tiếp tục giảm sâu hơn nữa lãi suất huy động.

Điểm qua thị trường, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) đã giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng đến 36 tháng. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến dành cho khách hàng cá nhân, kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 5,5%/năm. Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tiếp tục giảm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 60 tháng. Trong đó, lãi suất ngân hàng các kỳ hạn từ 6 - 8 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 5,5%/năm; kỳ hạn 9 - 11 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 5,65%/năm.

Quy định hiện hành về quỹ bảo lãnh tín dụng

Hiện nay, Quỹ bảo lãnh tín dụng dành cho DNNVV được hiện theo các quy định tại Nghị định 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Văn bản này quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để cấp bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV vay vốn tại các tổ chức cho vay theo quy định tại nghị định này.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) điều chỉnh lãi suất ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1 - 5 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm, kỳ hạn 1 tháng giảm xuống 3,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng 3,7%/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 3,8%/năm, kỳ hạn 4 tháng còn 3,9%/năm và kỳ hạn 5 tháng còn 4%/năm. Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng vừa điều chỉnh giảm kỳ hạn ngắn từ 1 - 5 tháng với mức 0,1 điểm phần trăm. Sau khi điều chỉnh, lãi suất huy động các kỳ hạn này còn 4,45%/năm; Ngân hàng Nam A (Nam A Bank) cũng điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng.

Trước đó, một số ngân hàng khác cũng đã giảm lãi suất như Sacombank, VIB, VPBank, Techcombank…

"Hâm nóng" vai trò quỹ bảo lãnh tín dụng

Theo NHNN, cơ quan này thời gian qua vẫn thực hiện điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng, trong đó rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân tiếp cận tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, một trong những đặc thù của DNNVV là thiếu các yếu tố cơ bản để đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng khi cho vay vẫn phải tuân thủ các quy tắc cơ bản trong thẩm định tín dụng và quan điểm của NHNN thời gian qua vẫn cho biết, dù rất nóng lòng đưa vốn ra nền kinh tế, nhưng kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng.

Quỹ bảo lãnh tín dụng được kỳ vọng tiếp vốn cho doanh nghiệp nhỏ
Ảnh tư liệu minh họa

Để khắc phục “thế khó” trên, trong nội dung thảo luận Quốc hội vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã nhắc lại vai trò của những giải pháp về bảo lãnh vay vốn để có thể khơi thông dòng vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, đây là đối tượng đông đảo, chiếm tỷ lệ tới 95% tổng số doanh nghiệp trong cả nước và nhu cầu vốn của họ là rất lớn. Trên thực tế, cũng đã có những ngân hàng đặt sự quan tâm hơn đến sự kết hợp giữa ngân hàng và quỹ bảo lãnh như một cách tháo gỡ những điểm tắc nghẽn của vốn ngân hàng với khối doanh nghiệp nhỏ.

Ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng doanh nghiệp SHB cho biết, ngân hàng này thời gian qua cũng đã đưa sản phẩm cho vay gián tiếp nguồn vốn từ Quỹ phát triển DNNVV với mức lãi suất ưu đãi 2,16%/năm đối với vay ngắn hạn và 4,0%/năm đối với vay trung - dài hạn.

Quỹ bảo lãnh tín dụng thực chất là vấn đề không mới và đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, đây có thể là một trong giải pháp đang cần được khơi lại với sự quan tâm nhiều hơn. Một số chuyên gia cho rằng, các chương trình bảo lãnh có thể sẽ đạt hiệu quả tốt khi doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, ngân hàng kinh doanh tốt, nhân viên chuyên nghiệp và có khả năng thẩm định khi người vay không đủ tài sản thế chấp. Do đó, giải pháp tăng hiệu quả là cần sự phối hợp giữa quỹ bảo lãnh tín dụng và ngân hàng thương mại.

Kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề này cũng cho thấy, họ thiết lập cơ chế trách nhiệm chia sẻ rủi ro cho cả quỹ bảo lãnh tín dụng và các ngân hàng thương mại với một tỷ lệ nhất định. Với cơ chế này, khi chịu trách nhiệm về khoản vay được bảo lãnh, các ngân hàng thương mại sẽ tăng trách nhiệm kiểm tra, giám sát cho vay và xử lý thu hồi nợ./.