Quyết tâm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2023
Các đại biểu thảo luận tại tổ 1. Ảnh: Diệu Hoa

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã khẳng định, năm 2022 mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thành phố đã thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và đạt được kết quả cơ bản, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay, thu ngân sách hoàn thành sớm.

Bày tỏ ấn tượng với những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với 22 chỉ tiêu đều đạt, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8,89%, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh (Tổ huyện Phú Xuyên) nhận định, năm 2022, thành phố cũng đã hoàn thiện các thể chế phát triển Thủ đô, đảm bảo phù hợp thực tiễn; chú trọng lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; công tác quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư. Bên cạnh tăng trưởng về kinh tế, các lĩnh vực an sinh xã hội cũng được đảm bảo phát triển rất đồng đều.

Các đại biểu cho rằng, trong năm 2023, thành phố cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư. Trong đó, cần đôn đốc tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đánh giá, rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án và nâng cao chất lượng đầu tư công. Cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

Cho rằng tiến độ giải ngân đầu tư công dù cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn thấp so với mục tiêu đề ra, ông Lê Ngọc Anh gợi mở, để thúc đẩy công tác giải ngân đầu tư công, nhất là các huyện khu vực phía Nam thành phố, thời gian tới, thành phố cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho các huyện. Đặc biệt, cần tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư khu công nghiệp Nam Hà Nội; kêu gọi được các nhà đầu tư để phát triển vùng phía Nam.

Quyết tâm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2023
Các đại biểu thảo luận tại tổ 2

Hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước tại địa phương

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Ngọc Anh, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Tổ đại biểu quận Hà Đông) nhận định, năm 2023 kinh tế cũng dự báo còn khó khăn, do đó thành phố cần có giải pháp cụ thể trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước tại địa phương, để có sản phẩm, thúc đẩy nguồn thu cho ngân sách thành phố.

Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho biết, hiện nay thành phố đã phân cấp cho quận huyện 6 lĩnh vực chi đầu tư, 3 lĩnh vực chi thường xuyên. Các địa phương cũng rà soát các dự án để thực hiện đầu tư, trong đó quận Hà Đông có tốc độ đô thị hóa nhanh, cần đầu tư công trình có quy mô hiện đại để sử dụng lâu dài, nên nguồn lực đầu tư lớn.

Để có nguồn lực, thành phố đã điều tiết nâng lên từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất, cấp huyện được hưởng 100%, cấp quận được hưởng 40%. Đối với cấp quận, thành phố đã nâng từ 35% đến 40%, nhưng thời gian tới cần hướng dẫn cụ thể để các quận thực hiện…

Hoàn thiện các dự án giao thông công cộng

Trong năm 2022, thành phố đã khánh thành hầm chui nút giao Lê Văn Lương - vành đai 3; hoàn thành 10 cầu vượt cho người đi bộ, 3 cầu vượt sông và 5 dự án đường giao thông. Các dự án trọng điểm như Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), đường vành đai 2 (đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở)… đang được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu HĐND thành phố cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt dịp cuối năm tại nội thành tiếp tục tăng, gây khó khăn cho người dân.

Lý giải tình trạng ùn tắc giao thông nội đô hiện nay, đại biểu Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (Tổ Ứng Hòa) cho hay, Hà Nội hiện có hơn 10 triệu dân nhưng có tới 7,7 triệu phương tiện cá nhân, trong đó hơn 1 triệu ô tô. Mỗi năm phương tiện cá nhân của thành phố tăng khoảng 4-5% nhưng quỹ đất dành cho giao thông chỉ tăng 0,28% nên tình trạng ùn tắc giao thông nội đô xảy ra thường xuyên.

Để giảm thiểu tình trạng này, ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, thành phố cần có các giải pháp căn cơ, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm; tập trung hoàn thiện các dự án giao thông công cộng, trong đó có tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (phần trên cao) để sớm đưa vào khai thác. Đồng thời, chú trọng đầu tư để hoàn thành các đường vành đai; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và giao thông thông minh để góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.

Các đại biểu đã thảo luận tại tổ về các nhóm nội dung quan trọng, gồm: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của thành phố; định mức phân bổ ngân sách của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2023.

Đồng thời, các đại biểu thảo luận về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội. Thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.