Tơ duyên ngắn ngủi của BII và TDH

Vừa qua, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) vừa có nghị quyết hội đồng quản trị về việc ngừng kế hoạch hợp tác các dự án bất động sản với Công ty cổ phần Louis Land (mã BII).

Các dự án ngừng hợp tác gồm có dự án Khu dân cư Cần Thơ, dự án Bất động sản tại Nhà văn hóa Long Xuyên, dự án trụ sở Công an tỉnh An Giang, dự án Phan Văn Hớn tại Hóc Môn.

Mối tơ duyên đứt gánh giữa TDH và BII phần nào gây ngỡ ngàng những người đã từng đặt kỳ vọng và sự bắt tay giữa những đối tác này trong các dự án bất động sản.

Sau ‘vỡ trận’ hợp tác BII và TDH, Angimex chơ vơ với nợ vay tăng vọt
Agimex hiện đang trong trạng thái vay tài chính tăng rất cao với đầu năm. Ảnh: T.L
Louis Holdings lại có kế hoạch mua thêm TGG TGG: Công ty có doanh thu chục tỷ đồng góp vốn vào dự án trên nghìn tỷ đồng Một nhà đầu tư bị phạt hơn nửa tỷ đồng do thao túng cổ phiếu TGG

Trước đó chưa lâu, mới chỉ hồi cuối tháng 9, Nhà Thủ Đức có chủ trương hợp tác chiến lược với Louis Land nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản. Hình thức hợp tác theo kế hoạch dự kiến thời điểm đó là góp vốn thành lập công ty độc lập để thực hiện từng dự án sau khi đủ điều kiện pháp lý theo quy định của pháp luật liên quan. Danh mục các dự án dự định hợp tác đều chứa đầy tham vọng, với giá trị vài trăm đến vài nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, dự án Trụ sở Công an tỉnh An Giang có vốn đầu tư dự kiến lên đến 2.000 tỷ đồng, trong đó, Nhà Thủ Đức góp 700 tỷ đồng, Louis Land góp 500 tỷ đồng, các cổ đông khác góp 800 tỷ đồng.

Dự án Louis Mekong River có đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng, trong đó Nhà Thủ Đức và Louis Land mỗi công ty góp 450 tỷ đồng, các cổ đông khác góp 100 tỷ đồng. Dự án Phan Văn Hớn – Hóc Môn có vốn dự kiến 375 tỷ đồng, Nhà Thủ Đức góp 375 tỷ đồng, Louis Land góp 215 tỷ đồng và cổ đông khác góp 15 tỷ đồng.

Một dự án nữa đáng chú ý là dự án trên khu đất Nhà văn hóa Long Xuyên (tỉnh An Giang), trong dự án này, TDH và BII mỗi bên dự kiến góp 175 tỷ đồng, tổng số vốn góp của đối tác này là 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính cả các nguồn vốn khác, kế hoạch đầu tư của dự án lên đến 1.452 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, AGM) và Louis Capital (TGG) mỗi công ty góp 50 tỷ đồng, còn lại vốn vay và vốn các nguồn khác là hơn 1.000 tỷ đồng.

Angimex chơ vơ, nợ vay tăng vọt

Sự đứt gánh giữa 2 đối tác quan trọng nhất của Dự án Nhà văn hóa Long Xuyên (là TDH và BII) vô tình đẩy Angimex vào thế khó, bởi với số vốn dự kiến ban đầu, bản thân Angimex chỉ có 50 tỷ đồng góp vào dự án.

Angimex lại là chủ thể không thể bỏ cuộc, bởi đây là công ty nắm quyền sở hữu đối với khu đất Nhà văn hóa Long Xuyên. Đây là khu đất AGM có được nhờ trúng đấu giá. Tuy nhiên, kinh nghiệm và khả năng tài chính của AGM với lĩnh vực bất động sản đều rất mong manh, do đây là công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, không phải doanh nghiệp bất động sản.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, dòng tiền thuần trong hoạt động kinh doanh của Angimex âm 804 tỷ đồng. Trước đó, dòng tiền thuần kinh doanh 9 tháng 2020 cũng đã ghi nhận âm hơn 131 tỷ đồng. Giá trị dòng tiền thuần kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2021 theo đó đã lớn gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này.

Trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh âm, việc bù đắp dòng tiền luôn là bài toàn khó cho mọi doanh nghiệp, AGM cũng không phải là ngoại lệ.

Thông thường trong những tình huống này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tìm đến phương án vay thêm tiền để giải quyết các nhu cầu vốn trước mắt. Với Angimex, doanh nghiệp này phải đi vay thêm số tiền 2.442 tỷ đồng, trong khi số tiền nợ vay trả bớt trong giai đoạn này chỉ là 1.554 tỷ đồng. Chênh lệch gia tăng tiền vay thêm khiến cho doanh nghiệp ngành xuất khẩu lương thực này có thặng dư dòng tiền trong hoạt động tài chính là gần 688 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021.

Doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận giảm

Quý III/2021, Angimex đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ là 1.297 tỷ đồng, tăng mạnh 149% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 2.233 tỷ đồng, tăng 54,5% so với doanh thu 9 tháng đầu năm 2020.

Doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại giảm mạnh hơn 53% trong quý III/2021, từ kết quả 8,3 tỷ đồng năm ngoái xuống 3,9 tỷ đồng năm nay. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng theo đó cũng sụt giảm 11%, từ 20 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống 17,8 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021.

Số dư nợ vay của Angimex tăng vọt trong 9 tháng đầu năm, từ con số 320 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2021 lên 1.114 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9, tăng 248%. Sự thay đổi này khiến Angimex đang là một doanh nghiệp có cơ cấu nguồn vốn khá an toàn, với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu thấp hơn 1, nhưng đã hoàn toàn thay đổi sau 9 tháng. Tỷ lệ nợ /vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối tháng 9 đã ở mức hơn 2,4 lần.

Đáng chú ý, nợ phải trả của Angimex chủ yếu là nợ ngắn hạn. Quy mô riêng nợ ngắn hạn đã là 1.111 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng giá trị nợ phải trả. Các con số cụ thể trong cơ cấu nợ vay cho thấy, tỷ lệ nợ tăng cao chủ yếu do sự tăng vọt của vay tài chính ngắn hạn, với giá trị tăng từ 274 tỷ đồng hồi đầu năm, lên 945 tỷ đồng vào cuối tháng 9, tăng 245%.

Cân đối các chỉ số tài chính của Angimex đến thời điểm hiện tại cho thấy, việc tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tuy cao, nhưng cũng chưa phải quá cao so với nhiều doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, điều đáng tiếc cho doanh nghiệp này là đã để cán cân tài chính thay đổi khá nhanh, từ một tỷ lệ nợ khá tốt (dưới 1) chỉ mới đầu năm nay, đã “chuyển mình” tăng vọt chỉ chưa đầy 1 năm. Ngoài ra, với sự mong manh về khả năng tài chính hiện tại, việc theo đuổi những dự án bất động sản lớn rõ ràng sẽ là một gánh nặng đối với Angimex, thậm chí có thể khiến doanh nghiệp bị quá tải./.