scic

Trong thời gian tới, SCIC sẽ thực hiện cân đối và điều chỉnh danh mục nắm giữ tùy từng thời điểm thích hợp để phát huy cao nhất hiệu quả tài sản nhà nước được giao quản lý. Ảnh: M.A

Chia sẻ thông tin với phóng viên TBTCVN sau gần nửa năm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Đức Chi cho biết: Theo Chiến lược phát triển đang trình Thủ tướng Chính phủ, SCIC nỗ lực phấn đấu để trở thành công cụ tài chính của nhà nước thúc đẩy tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả hệ thống doanh nghiệp nhà nước gắn liền với cơ chế thị trường; từng bước phát triển hướng tới mục tiêu trở thành một tập đoàn đầu tư tài chính có quy mô lớn trong khu vực, có quy mô tổng tài sản đến năm 2020 đạt khoảng 20 tỷ USD.

Kết quả 10 năm hoạt động của SCIC cho thấy, hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh của SCIC luôn đạt mức cao so với mức bình quân chung của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). So với thời điểm thành lập, doanh thu SCIC tăng gấp 55,5 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 11,5 lần; tổng tài sản tăng gấp 15 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 53 lần; nộp ngân sách nhà nước tăng 36 lần so với năm đầu thành lập…

Các hoạt động đầu tư hay thoái vốn của SCIC đều được tiến hành công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật và ứng phó hiệu quả với tín hiệu của thị trường.
a chi
Ông Nguyễn Đức Chi

PV: Trong hơn 10 năm qua, hoạt động của SCIC đã đạt được những kết quả tích cực, khẳng định mô hình đúng đắn theo chủ trương của Đảng đề ra. SCIC sẽ hướng tới mục tiêu như thế nào trong giai đoạn tới, thưa ông?

- Ông Nguyễn Đức Chi: Trong những năm gần đây, kinh tế nước ta đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên thời gian trước mắt và trong ngắn hạn sắp tới còn phải đối diện với các thách thức như: Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung còn khó khăn, nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở mức cao chậm được giải quyết; tiến độ triển khai sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN tuy đạt một số kết quả nhưng còn chậm so với mục tiêu. Tình hình kinh tế thế giới cũng có xu hướng biến động phức tạp và khó dự báo…

Trong bối cảnh đó, SCIC quyết tâm thực hiện mục tiêu trong tổng thể chiến lược phát triển mô hình, trong đó công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC sẽ được triển khai quyết liệt, quản trị hiệu quả phần vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp để vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển, từng bước đưa SCIC trở thành tổ chức thực hiện thống nhất quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý vốn có hiệu quả theo nguyên tắc thị trường.

PV: Trong công tác quản trị và tái cơ cấu vốn tại các doanh nghiệp mà SCIC đang thực hiện quản lý vốn nhà nước, ông có thể cho biết, đến nay SCIC đang triển khai như thế nào?

- Ông Nguyễn Đức Chi: Hiện nay SCIC đang triển khai rà soát, đánh giá chi tiết tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuộc danh mục đầu tư. Tổng công ty tiến hành phân tích sâu cả các vấn đề nội tại của doanh nghiệp và các yếu tố tác động như: Tình hình thị trường, chính sách của Nhà nước.

Đối với một số trường hợp, chúng tôi sẽ phối hợp cùng ban lãnh đạo doanh nghiệp triển khai giải pháp cụ thể để tái cấu trúc hoạt động, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó giá trị phần vốn nhà nước do SCIC quản lý tại doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên.

SCIC thực hiện cân đối và điều chỉnh danh mục nắm giữ tùy từng thời điểm thích hợp để phát huy cao nhất hiệu quả tài sản nhà nước được giao quản lý. Các hoạt động đầu tư hay thoái vốn của SCIC đều được tiến hành công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật và ứng phó hiệu quả với tín hiệu của thị trường.

PV: Thưa ông, trong năm 2016 này, mục tiêu và trọng tâm đầu tư vốn của SCIC được xác định như thế nào?

- Ông Nguyễn Đức Chi: Trong năm 2016, song song với việc thoái vốn tại các doanh nghiệp có hiệu quả thấp, thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ vốn, SCIC sẽ nghiên cứu, đầu tư nhằm tăng vốn điều lệ cho các doanh nghiệp trong danh mục hiện nay để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc, đầu tư phát triển với mục tiêu cải thiện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, qua đó các cổ đông bao gồm cả SCIC cũng sẽ thu lại lợi tức cao hơn. Mặt khác, với vai trò là tổ chức đầu tư của Chính phủ, SCIC tiếp tục tìm kiếm, nghiên cứu cơ hội và thực hiện đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu, có hiệu quả cao của nền kinh tế.

Liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính, SCIC sẽ nghiên cứu tham gia mua cổ phần lần đầu của các tập đoàn, tổng công ty khi tiến hành cổ phần hóa; đồng thời đẩy mạnh đầu tư thông qua mua bán dự án, mua bán sáp nhập doanh nghiệp và đầu tư trái phiếu, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán…

PV: Những năm trước đây, vẫn còn tình trạng chậm bàn giao phần vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp, thậm chí là cả ở một số ngành, địa phương. Xin ông cho biết, SCIC có giải pháp thế nào để giải quyết tồn đọng đó?

- Ông Nguyễn Đức Chi: Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2011 - 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC sau khi hoàn thành việc cổ phần hóa. Trong thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, SCIC đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kết quả chuyển giao vốn tại các doanh nghiệp về SCIC còn chậm, chưa đạt tiến độ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thời gian tới, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và xây dựng hệ thống thể chế, chiến lược đồng bộ; hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh, trong đó bao gồm việc tiếp nhận chuyển giao vốn tại doanh nghiệp; đồng thời, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này một cách đầy đủ và hiệu quả.

Về phía SCIC, tiếp tục chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương để thống nhất các nội dung liên quan đến việc chuyển giao vốn tại doanh nghiệp, bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty thuộc đối tượng chuyển giao vốn về SCIC.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mai An (thực hiện)