Dù khó khăn vẫn dành dụm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Tháng 10/2021, chị Đoàn Thị Lanh (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) là 1 trong 150 người được Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội trao tặng sổ BHXH tự nguyện. Vợ chồng chị Lanh là lao động tự do, công việc không ổn định, mùa nắng hai vợ chồng chị đi phơi thuốc nam, đến mùa vụ 2 vợ chồng đi cấy thuê, gặt thuê, làm phụ hồ…Thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng chỉ đủ lo cho hai con học hành, chăm sóc mẹ già, chị chưa dám nghĩ đến việc tích lũy cho tuổi già. Nhìn các bác trong xóm hàng tháng đi lĩnh lương hưu, chị cũng mơ ước tuổi già được nguồn thu nhập ổn định như vậy. Nhưng công việc làm thuê, làm mướn của 2 vợ chồng lúc khỏe mạnh thì nguồn thu còn có “đồng ra, đồng vào”, lúc ốm đau phải nghỉ khiến chị không dám mơ ước về điều “xa xỉ” đó. Ấy thế mà cuối tháng 9/2021, khi được trưởng thôn báo cho biết có trong danh sách được tặng sổ BHXH, chị vui mừng, cả đêm hôm đó không ngủ được. Cầm quyển sổ BHXH trên tay, chị rưng rưng xúc động, không ngờ mơ ước bấy lâu nay đã thành sự thật. Sổ BHXH tự nguyện được trao tặng cho chị có thời gian tham gia trong 6 tháng. Hết thời gian này, chị quyết tâm, dù khó khăn, nhưng sẽ dành dụm, tiết kiệm để tiếp tục tham gia BHXH đến đủ thời gian nhận lương hưu.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân. Ảnh: Minh Quang |
“Tôi nghe cán bộ tuyên truyền về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) nói là tham gia BHXH tự nguyện đủ 20 năm, khi về già được hưởng lương hưu, được cấp thẻ BHYT miễn phí, nên tháng nào tôi cũng để riêng 400 nghìn đồng để đóng BHXH”. Dự định của chị Lanh là sẽ cố gắng thu xếp tài chính để tham gia BHXH cho cả chồng, để 2 vợ chồng có điểm tựa vững chắc khi về già.
Cũng như chị Lanh, anh Triệu Minh Tuấn ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì, 40 tuổi, cũng được tặng sổ BHXH năm ngoái. Trước đây anh là bảo vệ của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc hơn 3 năm. Năm 2020 anh nghỉ việc, về quê làm nông nghiệp và làm công tác xã hội trong thôn, thu nhập thấp, nên anh không tham gia đóng tiếp BHXH. Tháng 6/2021, anh vui mừng vì được BHXH TP. Hà Nội tặng sổ BHXH. Nhận sự quan tâm, sẻ chia từ các “mạnh thường quân” ủng hộ, anh xúc động và tự hứa sẽ cố gắng làm việc để có tiền tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Nhận thức được lợi ích của chính sách BHXH, BHYT nên anh đã tham gia BHXH tự nguyện cho cả 2 vợ chồng. Đến thời điểm này, anh đã có thời gian tham gia BHXH hơn 4 năm, vợ anh tham gia BHXH tự nguyện được 1 năm. Công tác trong thôn nên anh được cấp BHYT, còn bố mẹ già và vợ anh đều tham gia BHYT hộ gia đình. “Tháng nào thu nhập tốt, vợ chồng tôi để riêng ra một khoản đóng BHXH tự nguyện cho cả mấy tháng. Đóng BHXH rồi, vừa có của để dành, lại không sợ tiêu xài hoang phí”- anh Tuấn tâm sự.
Những nghĩa cử ấm lòng
Cán bộ bảo hiểm xã hội tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tới người dân. |
Là những người công tác trong ngành an sinh xã hội, viên chức, người lao động của BHXH TP. Hà Nội hiểu rõ những giá trị mà cuốn sổ BHXH, thẻ BHYT mang lại cho người dân. Nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, dù nhận thức được lợi ích của chính sách BHXH, BHYT nhưng chưa có điều kiện tham gia. Với tinh thần sẻ chia, ấm áp nghĩa tình, hàng năm, viên chức, người lao động của BHXH TP đều đóng góp để trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân khó khăn.
Năm nay, hưởng ứng Chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn năm 2022 và mang Tết ấm áp đến với người nghèo – Xuân Quỹ Mão 2023 của BHXH Việt Nam, viên chức, người lao động BHXH thành phố đã ủng hộ 1 ngày lương, tổng kinh phí đóng góp được hơn 300 triệu đồng. Đồng thời, BHXH thành phố đã huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để cùng chung tay chăm sóc an sinh cho người dân. Tính đến ngày 13/12 cơ quan BHXH Hà Nội đã tặng 1.698 sổ BHXH, 138 thẻ BHYT với tổng giá trị gần 2,4 tỷ đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Tham mưu nâng mức hỗ trợ đối với người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện Năm 2022, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố đã tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND nâng mức hỗ trợ đối với người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn. Theo đó, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách, TP. Hà Nội hỗ trợ thêm 30% mức đóng tham gia BHXH tự nguyện đối với hộ nghèo, 25% mức đóng đối với hộ cận nghèo, 10% mức đóng đối với các đối tượng khác. Ngoài ra, BHXH các quận, huyện, thị xã đã tham mưu UBND quận, huyện hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Đến nay các quận Long Biên, Ba Đình đã hỗ trợ với số tiền là hơn 1,95 tỷ đồng. Điều này thể hiện sự quan tâm của Thành ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội; từ đó, giúp các đối tượng từng bước tiếp cận với chính sách BHXH tự nguyện, đồng thời, nâng cao tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách sau khi nhóm này bước vào nhóm người cao tuổi. |
Lãnh đạo BHXH thành phố mong muốn chính quyền các cấp ở địa phương tiếp tục quan tâm, tăng cường tuyên truyền, vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Các địa phương có cơ chế huy động các doanh nghiệp, nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc để hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con được tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần đảm bảo quyền lợi an sinh của người dân theo đúng mục tiêu của Đảng và Nhà nước, thành phố đã đề ra.
Với món quà từ BHXH thành phố và các tổ chức, cá nhân, sẽ góp phần tạo động lực tinh thần giúp người dân yên tâm lao động, vươn lên thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, từ đó có trách nhiệm tham gia nối tiếp để những cuốn sổ BHXH tự nguyện, thẻ BHYT tiếp tục đồng hành và phát huy được hiệu quả, hướng tới mục tiêu lâu dài là tất cả người dân đều có lương hưu và được chăm sóc sức khỏe khi về già.