Chưa thể hiện rõ vai trò kiểm tra, giám sát

Trước đó, được biết trong năm 2022, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, Bộ Xây dựng cũng đã thành lập một số đoàn kiểm tra tại một số địa phương phía Nam có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua.

Tại các địa phương, công tác chỉ đạo, điều hành cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19, “bão giá xây dựng”, UBND các tỉnh đã có những chỉ đạo kịp thời, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, thị trường VLXD… góp phần kiềm chế các tình trạng đầu cơ, tích trữ, thổi giá, giảm thiểu các tác động tiêu cực.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ về đích đúng hẹn.  				          Ảnh: Minh Hải
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ về đích đúng hẹn. Ảnh: Minh Hải

Bộ Xây dựng ghi nhận những kết quả tích cực của các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng nói chung. Tuy nhiên, tại mỗi địa phương đều có những tồn tại, hạn chế nhất định.

Đơn cử như tại tỉnh Đồng Nai, Sở Xây dựng chưa thể hiện rõ vai trò trong việc kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng thông tin về giá VLXD được công bố so với biến động, diễn biến thực tế của giá thị trường.

Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2021, thị trường VLXD có nhiều biến động, tuy nhiên Sở Xây dựng thực hiện việc công bố giá VLXD theo quý mà không công bố giá VLXD theo tháng, không đảm bảo kịp thời cập nhật, điều chỉnh giá VLXD, phù hợp với giá thị trường theo yêu cầu của Bộ Xây dựng. Một số loại VLXD phổ biến được công bố giá nhưng chưa đầy đủ chủng loại. Giá một số VLXD được công bố có mức độ chênh lệch khá lớn giữa các khu vực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Các thông tin về cơ sở kinh doanh, đơn vị sản xuất công bố giá, khả năng cung ứng, nguồn gốc, địa điểm một số vật liệu cung ứng chưa đầy đủ để phản ánh chính xác, minh bạch thông tin công bố.

Còn tại các tỉnh Khánh Hòa, Tiền Giang, TP. Cần Thơ trong công tác rà soát và cập nhật định mức xây dựng đặc thù, tổ chức thực hiện xác định và công bố giá vật liệu, nhân công, máy thi công và chỉ số giá xây dựng… cũng tồn tại nhiều hạn chế.

Khó tiếp cận giấy phép khai thác mỏ

Theo phản ánh của các nhà thầu lớn thực hiện cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và giai đoạn 2 cho thấy, tại thời điểm đấu thầu, đầu mối VLXD địa phương thường nâng giá, công suất mỏ không đủ, khiến đơn vị tư vấn thiết kế rất khó khăn trong việc tiếp cận giấy phép khai thác mỏ của các đầu mối tại địa phương. Một nhà thầu cho biết, do không tiếp cận được giấy phép khai thác mỏ, nên khi triển khai các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại do nhà thầu đã ký hợp đồng rồi không thể dừng hay chậm triển khai, đặc biệt là vấn đề vật liệu cho các công trình cầu phải đáp ứng tiêu chuẩn nhất định thì mới đưa vào thi công, trong khi đó lại không được tiếp cận giấy phép khai thác mỏ.

Bên cạnh đó, các nhà thầu cũng phản ánh nhiều bất cập về mặt bằng, định mức, đơn giá máy thi công. Mặt bằng xôi đỗ, không được bàn giao tiến độ khiến thời gian thi công của nhà thầu kéo dài. Trong khi đó, để bù đắp thời gian thi công đã bị kéo dài cho chậm mặt bằng, nhà thầu buộc phải sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, định mức, đơn giá của những thiết bị hiện đại chưa có trong danh mục do cơ quan nhà nước ban hành, ngay cả với những thiết bị đã du nhập vào Việt Nam tới gần 10 năm. Đơn cử, nhà thầu thường sử dụng những máy cẩu công suất lớn 40 - 80 tấn, thậm chí 100 tấn. Tuy nhiên, định mức của nhà nước quy định chỉ dừng lại ở mức 15 - 20 tấn. Hay như đối với sà lan, nhà thầu phải sử dụng loại công suất đến 800 - 1.000 tấn, nhưng định mức chỉ có 300 - 400 tấn…

Cuối tháng 2/2023 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã dẫn đầu đoàn công tác cùng các nhà thầu làm việc tại tỉnh Phú Yên để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và thi công dự án cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Phú Yên, có tổng chiều dài hơn 90,1km, được triển khai với 2 dự án thành phần, gồm: Đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (hơn 42km) do Ban Quản lý dự án 85 thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư và đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (hơn 48km) do Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, với giá VLXD thông thường, vì sao giá vật liệu công bố ở Phú Yên cao hơn nhiều các địa phương khác? Đấy là chưa nói giá bên ngoài còn cao hơn nữa. Niêm yết 1 giá, nhưng khi bán thì giá cao hơn gấp 2, gấp 3? Đây là những vấn đề cần giải quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chủ động cầm trịch giá VLXD. Vẫn là thỏa thuận giữa nhà thầu với chủ mỏ vật liệu, nhưng UBND tỉnh cần làm trọng tài trung gian để có một mức giá hợp lý: “Khung giá có rồi, đồng ý lên 1,5 lần là quá rồi, không thể lên gấp 3,4,5 lần”.