Xung quanh diễn biến của thị trường chứng khoán giai đoạn này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI).

Thị trường chứng khoán bị tác động tâm lý từ cả quốc tế và trong nước
Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI).

*PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán trong nước giảm mạnh trong phiên 7/9. Ông có đánh giá, bình luận gì về phiên giảm này?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Phiên giao dịch ngày 7/9, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến áp lực bán gia tăng khiến nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh như nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, dầu khí… đã tác động lớn tới sự sụt giảm của chỉ số VN-Index và nhiều nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa khác.

Phiên này thể hiện rõ hơn sự chuyển dịch tâm lý từ thận trọng trong các phiên trước sang trạng thái tâm lý tiêu cực trong phần lớn thời gian giao dịch. Với phiên sụt giảm ngày 7/9, chỉ số VN-Index đã giảm dưới các đường trung bình động 10 ngày và 20 ngày (MA10, MA20), xác lập trạng thái điều chỉnh giảm sau hơn 2 tuần giằng co trong biên độ hẹp.

*PV: Theo góc nhìn của ông, đâu là nguyên nhân khiến thị trường trong nước giảm khá bất ngờ như vậy?

Ở trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng khá tốt trong tháng 8 và gần đây chịu áp lực bán gia tăng trong ngắn hạn. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư, bao gồm tâm lý chốt lời sẽ dễ kích hoạt hơn khi thị trường xuất hiện các thông tin không tích cực hoặc không đạt được như kỳ vọng.

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Theo quan sát của tôi, việc thị trường giảm khá bất ngờ trong phiên ngày 7/9 là chịu sự tác động tổng hòa của nhiều nguyên nhân.

Trên thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu cũng đã điều chỉnh sâu trong một vài tuần nay khi tình hình lạm phát tiếp tục căng thẳng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều khá quả quyết trong việc dự kiến tăng lãi suất trong vài tuần tới.

Ở trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng khá tốt trong tháng 8 và gần đây chịu áp lực bán gia tăng trong ngắn hạn. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư, bao gồm là tâm lý chốt lời sẽ dễ kích hoạt hơn khi thị trường xuất hiện các thông tin không tích cực hoặc không đạt được như kỳ vọng.

Cùng với đó, biến động trên thị trường tiền tệ Việt Nam gần đây có nhiều dấu hiệu căng thẳng như: tỷ giá VND/USD tăng khá, lãi suất liên ngân hàng tăng, lãi suất huy động cũng tăng theo,… đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng nhiều hơn.

Riêng trong ngày 7/9, việc cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng có sự lan truyền chưa chính thống theo hướng hạn mức tín dụng được cấp mới chỉ ở mức rất thấp so với kỳ vọng trước đó. Chính điều này đã khiến nhiều nhóm cổ phiếu lớn như bất động sản, ngân hàng, … bị bán mạnh, làm VN-Index có phiên giảm mạnh khi đóng cửa.

*PV: Việc thị trường chứng khoán trong nước sẽ gặp đợt điều chỉnh cũng được nhiều ý kiến dự đoán, tuy nhiên, việc giảm khá mạnh phiên 7/9 cũng khá bất ngờ. Theo góc nhìn của ông, việc thị trường giảm khá mạnh như thế chỉ là phản ứng tâm lý bình thường bởi nhiều thông tin không tích cực, hay là do nhà đầu tư lo ngại về một đợt điều chỉnh dài và mạnh sau thời gian tăng tốt trước đó?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước giảm do chịu tác động tiêu cực của cả tình hình quốc tế và trong nước. Tâm lý lo ngại dồn vào một thời điểm khiến cho nhiều nhà đầu tư hành động bán có phần thái quá. Còn về bản chất, việc điều chỉnh của thị trường sau một thời gian tăng khá là điều bình thường, trên thực tế, thời gian gần đây nhiều nhóm cổ phiếu cũng đã có sự điều chỉnh nhưng diễn biến cũng không quá tiêu cực.

Tuần này, khả năng cao ECB sẽ tăng lãi suất. Tuần sau, FED cũng có thể tăng lãi suất và các quỹ ETF cũng sẽ hoàn thành tái cấu trúc cho kỳ quý III/2022. Với các dòng thông tin đó, tôi nghĩ rằng, tâm lý thận trọng và hành động bán mạnh khi thông tin cấp hạn mức tín dụng mới không đạt kỳ vọng cũng dễ lý giải.

Thị trường chứng khoán bị tác động tâm lý từ cả quốc tế và trong nước
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố nền tảng trong nước. Ảnh: Minh họa.

*PV: Theo ông, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được trợ lực bởi những yếu tố gì để vượt qua nhịp điều chỉnh lần này? Cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay tới cuối năm là gì?

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước và kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp. Vì vậy, sau mỗi đợt điều chỉnh luôn là cơ hội cho các nhà đầu tư sàng lọc cơ hội đầu tư trung và dài hạn ở những doanh nghiệp hàng đầu có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng giá cổ phiếu thì cũng giảm theo quá trình điều chỉnh của thị trường chung.

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Thị trường chứng khoán sẽ cần thời gian để thẩm thấu hết những thông tin tác động tiêu cực trước khi tạo ra vùng cân bằng mới. Việc các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ còn tác động tiêu cực lên các thị trường chứng khoán trên thế giới và Việt Nam có thể cũng không ngoại lệ.

Theo tôi, sắp tới có một số yếu tố tích cực có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán, như: (1) Tăng trưởng GDP quý III/2022 dự kiến sẽ ở mức cao, có thể là mức 2 con số so với nền thấp của năm 2021; (2) mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 của doanh nghiệp niêm yết dự báo sẽ tiếp tục tăng sau giai đoạn nền kinh tế mở cửa trở lại và hồi phục tích cực; (3) định giá thị trường có thể về vùng hấp dẫn sau khi đã thẩm thấu hết các thông tin tiêu cực từ thế giới và trong nước.

Tôi cho rằng, sau mỗi đợt điều chỉnh thì luôn là cơ hội cho các nhà đầu tư sàng lọc cơ hội đầu tư trung và dài hạn ở những doanh nghiệp hàng đầu có tiềm năng tăng trưởng cao, nhưng giá cổ phiếu thì cũng giảm theo quá trình điều chỉnh của thị trường chung.

*PV: Xin cảm ơn ông!