Dòng tiền đang thận trọng

Sau nhịp tăng tốt hồi tháng 1/2023, thị trường đã liên tiếp có những phiên điều chỉnh kể từ đầu tháng 2 tới nay. Chỉ số VN-Index điều chỉnh khi chạm ngưỡng kháng cự. Trong khi đó, thanh khoản xuống thấp cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng, thị trường có thể chiết khấu rủi ro phía trước, trong bối cảnh không có thông tin hỗ trợ ở thời điểm hiện tại.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dòng tiền nội đang thận trọng là nguyên nhân chính trong nhịp điều chỉnh giảm thời gian qua, kể từ đỉnh ngắn hạn của chỉ số Vn-Index. Sự lưỡng lự của khối nhà đầu tư nội chủ yếu do kết quả kinh doanh quý IV/2022 của các doanh nghiệp nghiêng nhiều về gam màu tối, do đó các cơ hội đầu tư sẽ mang tính chọn lọc và cần phải thận trọng xem xét kỹ lưỡng. Một số ngành như ngân hàng, vận tải, y dược... dù vẫn duy trì được tăng trưởng khả quan, tuy nhiên mức tăng cũng không quá tích cực, hay đột biến và có sự phân hoá mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Nhà đầu tư nội đang có tâm lý dè chừng và thận trọng.
Nhà đầu tư nội đang có tâm lý dè chừng và thận trọng.

Theo dự báo, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục bán ròng trong quý I/2023 và giao dịch giằng co thiên về xu hướng bán ròng nhẹ. Nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia mua ròng tích cực hơn từ nửa cuối 2023, nếu thị trường chứng khoán chính thức thoát khỏi xu hướng giảm trung hạn.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, tình trạng lình xình đi ngang như hiện nay có thể sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt áp lực giảm ngắn hạn vẫn còn cao. Trong ngắn hạn, vùng hiện tại vẫn chưa đủ hấp dẫn dòng tiền quay trở lại, trong khi đó xu hướng mua ròng của khối ngoại có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, cho nên thị trường ít có động lực tích cực. Thời gian qua, các quỹ ETF (hoán đổi danh mục) liên tục huy động ròng. Đây là yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường trong ngắn và trung hạn, nhưng lượng huy động ròng này cũng không ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến thị trường.

“Hy vọng xu hướng mua ròng của khối ngoại sẽ vẫn tiếp tục duy trì trong nửa đầu năm 2023. Điều này sẽ sớm kích thích dòng tiền nội tham gia thị trường tích cực trở lại vào giai đoạn cuối năm. Các quỹ đầu tư theo chỉ số cũng cho thấy sự quan tâm đến các cổ phiếu lớn của Việt Nam đang bị định giá thấp” - ông Minh cho hay.

Kỳ vọng nhịp hồi kỹ thuật

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SHS đánh giá, VN-Index có nguy cơ quay trở lại xu hướng giảm giá trung hạn. Nếu VN-Index tiếp tục giảm và không thể phục hồi trong thời gian tới thì nguy cơ VN-Index quay trở lại xu hướng giảm giá là rất cao. Theo đó, thị trường trong thời gian ngắn hạn đối diện với nhiều rủi ro.

Với góc nhìn trung - dài hạn, khi VN-Index thủng ngưỡng 1.050 điểm một cách dứt khoát để trở lại xu hướng giảm giá trung hạn thì vẫn còn 2 mốc hỗ trợ quan trọng là 1.000 và 950 điểm (đáy cũ). Do đó, vẫn có thể kỳ vọng VN-Index đã hình thành đáy trung, dài hạn quanh 950 điểm. Về bản chất VN-Index sau khi hình thành đáy sẽ bước vào giai đoạn hồi phục và dao động với biên độ rộng, sau đó biên độ dao động sẽ hẹp dần và đi vào vùng tích lũy tin cậy.

Về mặt kỹ thuật, thị trường cũng đã xuất hiện một số tín hiệu vận động tích cực của các nhóm cổ phiếu dẫn đầu (nhiều cổ phiếu lớn thuộc dòng ngân hàng và một số cổ phiếu đầu ngành khác đang cho thấy động lực tích lũy tốt và có xu hướng vượt đỉnh). Theo đó, cơ hội để giải ngân đầu tư trung, dài hạn vẫn đang xuất hiện và các nhà đầu tư nên chú ý đặc biệt ở nhóm các cổ phiếu mạnh, ít chịu ảnh hưởng của xu hướng giảm giá và các cố phiếu hồi phục sớm đang có xu hướng vượt đỉnh.

Nhà đầu tư cần quan sát thêm tín hiệu tại vùng cân bằng

Theo các chuyên gia, chiến lược giao dịch ngắn hạn nhà đầu tư nên chờ phục hồi để cân nhắc hạ tỷ trọng, hoặc đứng ngoài quan sát thị trường và quan sát thêm tín hiệu tại vùng cân bằng trước đó ở quanh mốc 1.065 - 1.070 điểm. Ngoài ra, hướng giải ngân vẫn tập trung vào các cổ phiếu mạnh đang có xu hướng tích lũy và phục hồi sớm, có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu dẫn đầu ngành và duy trì được tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay và tận dụng các phiên thị trường điều chỉnh giảm điểm để giải ngân.

Báo cáo mới công bố của Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cho thấy, VN-Index đã có nhịp tăng khá tốt trong tháng 1 dù lợi nhuận quý IV/2022 sụt giảm mạnh, P/E toàn thị trường đã tăng từ 10,5 lần, lên mức khá cao 12,1 lần. Điều này có thể khiến áp lực chốt lời tăng lên và dư địa tăng giá trong tháng 2 giảm xuống. Nhất là khi dòng tiền ngoại tham gia là nguồn vốn đầu tư thụ động ngắn hạn qua các quỹ ETF, vốn có xu hướng chốt lời nhanh.

Hiện yếu tố tích cực là Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công như một động lực chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản vẫn bế tắc. Trong tháng 1 không ghi nhận đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào, trong khi áp lực mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn và thanh toán vẫn ở mức cao.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - Phó Giám đốc Chiến lược đầu tư SSI Reasearch cho biết, bên cạnh khả năng giảm tốc trong hoạt động mua ròng của khối ngoại, vận động ngắn hạn của thị trường có thể chịu tác động tâm lý từ những tin đồn chưa kiểm chứng. Ở góc nhìn tích cực, nỗ lực tháo gỡ khó khăn tại ngành bất động sản, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 hay các thông tin tích cực từ câu chuyện đẩy mạnh giải ngân đầu tư công có thể sẽ hỗ trợ vận động của chỉ số.