![]() |
Biểu đồ: TL |
Nghị định 08 giúp giảm bớt số lượng trái phiếu chậm trả nợ
Sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) được ban hành, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường, theo chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, kể từ quý II/2023 tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại.
Các doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ. Khối lượng phát hành tăng dần qua từng tháng. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong quý II, khối lượng phát hành bình quân khoảng 3.000 tỷ đồng/tháng, sang quý III, khối lượng phát hành bình quân khoảng 35 nghìn tỷ đồng/tháng.
Hơn 80% tổ chức phát hành đã đưa ra phương án gia hạn trái phiếu Nghị định 08 cho phép tổ chức phát hành và các trái chủ có một số cơ chế để đàm phán khắc phục tình trạng chậm trả như gia hạn nợ, hoán đổi tài sản, thanh lý tài sản thế chấp. Trong đó, hơn 80% tổ chức phát hành đã đưa ra phương án gia hạn trái phiếu, với thời gian gia hạn trung bình 20 tháng, gần bằng mức tối đa 2 năm theo Nghị định 08. |
Theo ông Nguyễn Đình Duy - Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp của Visrating, số lượng trái phiếu chậm trả gốc hoặc lãi phát sinh mới đạt đỉnh ở quý I/2023 và sẽ giảm trong năm 2024, nhờ Nghị định 08 đưa ra các cơ chế khắc phục hoặc trì hoãn tình trạng chậm trả.
Theo chuyên gia này, tỷ lệ trái phiếu chậm trả gốc hoặc lãi trên tổng lượng trái phiếu lưu hành vẫn tăng lên trong năm 2023. Tổng giá trị trái phiếu chậm trả gốc hoặc lãi tính đến tháng 9/2023 là 175 nghìn tỷ đồng, phần lớn đến từ các ngành đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền là bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo. Trong quý IV/2023, khả năng cao sẽ có thêm 20 nghìn tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc hoặc lãi phát sinh mới.
Nghị định 08 sẽ giúp giảm bớt số lượng trái phiếu chậm trả gốc hoặc lãi phát sinh mới trong năm 2024. Theo đó, năm 2024, Visrating dự báo tổng giá trị trái phiếu chậm trả gốc, lãi phát sinh mới là 66 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với số phát sinh mới trong năm 2023.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng, các tổ chức phát hành đang gặp khó khăn sẽ chủ động thực hiện các biện pháp đàm phán với trái chủ trước ngày đáo hạn trái phiếu để thống nhất được phương án xử lý, nhờ đó giảm bớt số lượng trái phiếu chậm trả gốc hoặc lãi phát sinh mới trong năm 2024” - ông Nguyễn Đình Duy nói.
Theo thống kê của Visrating, trong 9 tháng đầu năm 2023, có 148 trái phiếu với tổng giá trị 36 nghìn tỷ đồng đã lùi ngày đáo hạn và 75% số đó chỉ đạt được sự đồng ý của trái chủ trong vòng hai tháng trước ngày đáo hạn.
“Theo quan điểm của chúng tôi, đây là một chỉ báo cho thấy việc gia hạn trái phiếu chủ yếu để tránh tình trạng chậm trả gốc hoặc lãi và cho rằng cơ chế này giúp cho tổ chức phát hành có thêm thời gian để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh cũng như dòng tiền của họ” - chuyên gia của Visrating cho hay.
Năm 2024, thị trường sẽ “sáng hơn”
Chuyên gia của Visrating kỳ vọng, thị trường TPDN năm 2024 sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn, với việc áp dụng những yêu cầu cao hơn đối với tất cả các bên; qua đó giúp cho hoạt động phát hành trái phiếu mới dần phục hồi.
Theo đó, nhiều quy định trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực vào năm 2024 sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với tất cả các bên liên quan và hỗ trợ cho việc khôi phục niềm tin của thị trường. Cụ thể, từ đầu năm 2024, một số quy định trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo Nghị định 65 nhưng bị hoãn theo Nghị định 08 sẽ có hiệu lực trở lại. Ví dụ như, quy định chặt chẽ hơn về xác định thế nào là nhà đầu tư chuyên nghiệp và việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc.
“Chúng tôi kỳ vọng, những thay đổi này sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với các tổ chức phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư trên thị trường TPDN, giúp nâng cao chất lượng các đợt phát hành TPDP, lấy lại niềm tin cũng như gia tăng thanh khoản cho thị trường” - ông Nguyễn Đình Duy chia sẻ.
Bên cạnh đó, với nhận định các điều kiện tín dụng năm 2024 sẽ ổn định, chuyên gia của Visrating dự báo rủi ro tái cấp vốn đối với các tổ chức phát hành trái phiếu sẽ được giảm bớt đáng kể. Nhu cầu phát hành lớn của nhóm ngân hàng để bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ dẫn dắt thị trường TPDN trong năm 2024.
Các ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp để đẩy nhanh các kế hoạch huy động vốn dài hạn cho hoạt động tín dụng và đảm bảo an toàn vốn.
Các ngân hàng cũng có thể phát hành trái phiếu với lãi suất coupon (lãi suất trái phiếu cố định) thấp hơn để đảm bảo chi phí vốn thấp cũng như để bù đắp các trái phiếu mua lại trước hạn./.