Tại hội thảo, việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp (DN), các chuyên gia cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp thúc đẩy nhằm đem lại sự tiện lợi, an toàn trong sử dụng sản phẩm, tạo tiền đề hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số quốc gia phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn

Giảm hơn 2 nghìn tỷ đồng phí dịch vụ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, NHNN đã chủ động nghiên cứu, xây dựng quy định pháp lý tạo thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ. Đó là quy định hướng dẫn các ngân hàng mở tài khoản thanh toán thông qua xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); trình Chính phủ ký Quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Kế đến là ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán (mã QR code, thẻ Chíp nội địa,..) tạo thuận lợi cho kết nối thanh toán liên thông, giảm chi phí chấp nhận thanh toán; trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM với nhiều điểm mới nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý chắc chắn, đầy đủ, rõ ràng, qua đó tạo thuận lợi hơn nữa cho TTKDTM.

Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán tích cực nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tích hợp kết nối với các dịch vụ khác trong nền kinh tế thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng... Nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn và giá trị thiết thực cho khách hàng.

Ở mức độ toàn ngành, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cấp hoạt động thông suốt, an toàn đảm bảo sự kết nối liên thông giữa các ngân hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán điện tử của người dân, DN trong nền kinh tế.

“Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh các chính sách hỗ trợ người dân, DN như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thạnh toán hỗ trợ kịp thời như giảm 50% phí Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; giảm 70-100% phí chuyển mạch, bù trừ điện tử; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công… Tổng số tiền giảm phí ngành ngân hàng năm 2021 dự kiến khoảng 1.557 tỷ đồng, còn nếu tính cả năm 2020 là trên 2.000 tỷ đồng); khoảng 80% giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí” – bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ thông tin về kết quả triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh Đỗ Doãn
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ thông tin về kết quả triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh Đỗ Doãn

Năm giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Theo lãnh đạo NHNN, trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện năm giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng; thúc đẩy TTKDTM trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ... trong đó trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox) và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai.

Thứ hai là phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thứ ba là tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.

Thứ tư là tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn. Thứ năm là tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.

Về định hướng công tác truyền thông-giáo dục tài chính thời gian tới, bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng là nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính – ngân hàng, TTKDTM, từ đó thay đổi hành vi, thói quen và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, bảo vệ người sử dụng dịch vụ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…

Các diễn giả chia sẻ về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh Đỗ Doãn
Các diễn giả chia sẻ về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh Đỗ Doãn

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi chuyển đổi số

Tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, đại diện các DN, các chuyên gia đã thảo luận, đưa ra những giải pháp để thúc đẩy việc TTKDTM tại Việt Nam, với các nội dung cụ thể như: Toàn cảnh bức tranh thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam - Hành trình tiến đến quốc gia không tiền mặt; Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng; DN thay đổi như thế nào để thích ứng với thói quen tiêu dùng của người dân; Chuyển đổi số thúc đẩy TTKDTM; Hoàn thiện khung pháp lý để phát triển kinh tế số và xã hội số…

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai TTKDTM, đồng thời chia sẻ thông tin về chương trình chuyển đổi số quốc gia và mong muốn các chương trình này mau chóng đi vào cuộc sống, đem lại sự tiện lợi cho người dân, DN, nâng cao uy tín quốc tế. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy TTKDTM, dựa trên những nền tảng công nghệ mới nhưng đảm bảo tính an toàn. Thứ hai là tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, đề án chuyển đổi số; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan nhằm đem lại sự an toàn, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho khách hàng; chủ động triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền giáo dục tài chính đến với người dân, DN nhằm giúp trang bị đầy đủ thông tin, kiến thức để yên tâm sử dụng sản phẩm một cách an toàn…

“Chuyển đổi số hướng tới không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tạo ra tác động kép là giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ mục tiêu tài chính toàn diện. Tôi tin rằng, với quyết tâm của Chính phủ, sự chủ động của NHNN và sự vào cuộc của các bộ ngành, các địa phương… TTKDTM nói chung và thanh toán số nói riêng tại Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được sự gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần xây dựng một xã hội số minh bạch hơn, thuận tiện và giảm thời gian, chi phí, rủi ro cho người dân và DN, góp phần hoàn thiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian tới…” – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo./.