Thực thi Hiệp định CPTPP và EVFTA: "Liều thuốc" hiệu quả cho xuất khẩu
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Phương Anh

Cán cân thương mại cân bằng, từng bước đạt thặng dư

Trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với cả năm 2021.

Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 8/10 nước CPTPP đều tăng trưởng tích cực, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Brunei tăng tới 163%. Ba thị trường mới có quan hệ FTA dù có Mê-hi-cô và Pê-ru ghi nhận mức tăng trưởng sụt giảm (Mê-hi-cô giảm 0,5% và Pê-ru giảm 5,5%) nhưng thị trường lớn nhất là Canada vẫn tăng tới gần 20,1%.

Thặng dư thương mại từ các nước CPTPP trong năm 2022 đạt 2,63 tỷ USD trong khi năm 2021 Việt Nam thâm hụt khoảng 74,5 triệu USD trong trao đổi thương mại với các nước CPTPP. Đặc biệt, thặng dư thương mại từ trao đổi thương mại với ba nước mới có quan hệ FTA là Canada, Mê-hi-cô và Pê-ru trong năm 2022 lên tới 11 tỷ USD, chiếm 94% tổng thặng dư thương mại năm 2022 của Việt Nam và tăng 6,7% so với năm 2021.

Với Hiệp định EVFTA, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi giữa Việt Nam và các nước EU đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU đạt 46,7 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước EVFTA đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu sang EU theo mẫu C/O theo EVFTA đạt 12,1 tỷ USD, chiếm 25,9% xuất khẩu chung sang EU, tăng 49,4% so với năm 2021. Thặng dư thương mại của Việt Nam so với các nước EU trong năm 2022 đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021.

Mở rộng quan hệ kinh tế thương mại

Việt Nam cũng cần chủ động nghiên cứu mở rộng quan hệ kinh tế thương mại song phương và đa phương, chủ động công tác nghiên cứu, đàm phán và ký kết FTA với các đối tác có cùng lợi ích để có thể khai thác hiệu quả lợi ích các FTA mang lại, làm động lực phát triển xuất nhập khẩu cả về lượng và chất.

Nhìn chung, trong thời gian qua, việc thực thi các cam kết thuế nhập khẩu trong các FTA thế hệ mới đã mang lại tác động tích cực đến tăng trưởng kim ngạch và chuyển dịch thương mại cho nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, cán cân thương mại cân bằng và từng bước đạt thặng dư. Đây là kết quả từ những nỗ lực từ phía cả khu vực công và cộng đồng doanh nghiệp. Xuất khẩu góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, tạo hiệu ứng lan toả thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động và động lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cơ cấu xuất, nhập khẩu chuyển dịch theo hướng tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo, giảm xuất khẩu thô; nhập khẩu chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết phục vụ sản xuất, xuất khẩu và phục vụ các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, điện tử. Tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP tăng (kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần so với GDP). Việt Nam đã trở thành một trong những nước có độ mở thương mại cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Dự báo trong giai đoạn mới, tình hình trong nước, khu vực và thế giới sẽ có nhiều thay đổi với những diễn biến phức tạp, khó lường. Các rủi ro làm cản trở dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới và từng quốc gia sẽ tiếp tục còn tiếp diễn trong những năm tới.

Trước tình hình đó, cần tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới để tận dụng tốt các cơ hội phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước. Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, tham gia hiệu quả và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường.

Tiếp đó, cần tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết tại các FTA và các FTA thế hệ mới. Rà soát, đánh giá lộ trình thực hiện cam kết và tác động tới từng ngành để điều chỉnh chiến lược phát triển ngành phù hợp. Khuyến khích doanh nghiệp chủ động khai thác tối đa thị trường trong nước, tận dụng tốt cơ hội mà việc tham gia FTA đem lại để thâm nhập và khai thác thị trường trong và ngoài nước.

Việt Nam cũng cần tranh thủ các nguồn lực, kinh nghiệm của các nước đối tác trong các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA nhằm đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững, đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị hàng hóa Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, cần triển khai hiệu quả chính sách về vốn, thuế phí, công nghệ, phát triển doanh nghiệp phụ trợ nội địa có đủ tiềm lực tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất; tập trung nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực (thủy sản, dệt may, nông sản…) gia tăng thị phần xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Đồng thời, tham gia chính sách đa dạng chuỗi cung ứng do đây là cơ hội để Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tranh thủ thu hút vốn và công nghệ mới để phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế./.