Tín dụng hé lộ tín hiệu tăng tốc

Số liệu cập nhật của NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến 30/11/2023 đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 9,15% so với đầu năm 2023. Theo số liệu công bố trước đó cũng của NHNN, tăng trưởng tín dụng đến 22/11/2023 đạt 8,21%. Theo đó so sánh 2 con số này với nhau, chỉ trong 8 ngày cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 0,94%.

Trong khi đó, tháng 12/2023 kỳ vọng cũng là giai đoạn tăng tốc vì theo thông lệ hàng năm, tháng cuối cùng thường có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các tháng trong năm. NHNN dự báo quy mô tín dụng đến cuối năm 2023 có thể sẽ đạt tới trên 19 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, tháng 12/2023 cũng là thời điểm thị trường kỳ vọng quyết định nới hạn mới tăng trưởng tín dụng (room) của NHNN vừa đưa ra cuối tháng 11/2023 sẽ có tác dụng.

Tín dụng hé lộ tín hiệu tăng tốc, giá vàng hạ nhiệt
Tháng 12 thường là giai đoạn tín dụng tăng nhanh trong năm. Ảnh: T.L
Tọa đàm về xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng Nợ xấu tăng cao, tín dụng tiêu dùng co cụm và nguy cơ tín dụng đen

Sẽ có những giải pháp mới quyết liệt hơn

Trong tuần qua, sự kiện đáng chú ý liên quan đến thị trường tiền tệ là cuộc họp của Thủ tướng với ngành Ngân hàng và các doanh nghiệp về việc bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng.

Tại hội nghị này, lãnh đạo NHNN cũng đề xuất một số giải pháp mới để tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Kỳ vọng từ việc nới room

Việc cho phép nới room từ cuối tháng 11/2023 được thị trường kỳ vọng có thể giúp đẩy mạnh tín dụng tăng trưởng nhanh hơn bởi thời gian qua tín dụng chung tăng chậm, nhưng tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các ngân hàng.

Một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.

Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng dẫn của NHNN; triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu.

Tỷ giá biến động nhẹ

Tỷ giá trung tâm mở đầu tuần mới ở mức 23.939 đồng/USD, sau một số phiên dao động nhẹ trong tuần, kết thúc tuần ở mức 23.951 đồng/USD, tăng 12 đồng mỗi Đô la so với đầu tuần.

Trong khi đó, tỷ giá niêm yết do Vietcombank công bố có diễn biến tăng trong những ngày đầu tuần, nhưng sau đó quay đầu giảm vào cuối tuần. Cụ thể, tỷ giá niêm yết bán ra tại ngân hàng này hôm thứ hai 4/12 là 24.405 đồng mỗi Đô la, sau đó tăng liên tục trong 2 ngày trước đó và quay đầu giảm trong 2 ngày cuối tuần. Chốt tuần, tỷ giá bán ra tại Vietcombank là 24.400 đồng mỗi Đô la.

Hiện nay, yếu tố trong nước cho thấy tỷ giá vẫn được hỗ trợ bởi các thông tin vĩ mô giúp cho nguồn cung ngoại tệ vẫn khá dồi dào. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 11/2023 xuất siêu 1,28 tỷ USD, tính chung 11 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD).

Trong khi đó trên thị trường tài chính quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng Đô la Mỹ vẫn chỉ quanh mức khoảng trên 103 điểm cho thấy đồng Đô la Mỹ vẫn đang ở trạng thái yếu trong bối cảnh hiện tại.

Tín dụng hé lộ tín hiệu tăng tốc, giá vàng hạ nhiệt
Vàng thường phù hợp với nhu cầu cất trữ hơn nhu cầu đầu cơ ngắn hạn. Ảnh: T.L

Giá vàng qua giai đoạn nóng

Giá vàng đã qua giai đoạn nóng, tuy nhiên diễn biến giá thế giới và trong nước có phần khác nhau khi giá vàng thế giới giảm mạnh đầu tuần sau khi lập đỉnh, trong khi giá vàng trong nước có giảm nhưng mức giảm không nhiều.

Hôm thứ hai đầu tuần, giá vàng thế giới tăng mạnh và lập đỉnh khi giao dịch vượt ngưỡng 2.100 USD/ounce. Tuy nhiên sau đó giá vàng quay đầu giảm và dù cuối tuần có phục hồi nhẹ, nhưng chỉ ở mức 2.045,3 USD/ounce, thấp hơn khá nhiều so với đỉnh đã thiết lập trước đó.

Trong khi đó tại thị trường trong nước, giá vàng SJC 9999 bán ra ở Hà Nội hôm đầu tuần đã đạt mốc 74,4 triệu đồng/lượng bán ra. Trong những ngày tiếp theo, giá vàng trong nước cũng quay đầu giảm do chịu ảnh hưởng của giá vàng thế giới, nhưng chỉ giảm nhẹ và mức bán ra của vàng SJC 9999 hôm 8/12 vẫn ở mức khoảng 74,1 triệu đồng/lượng.

Bối cảnh hiện nay cho thấy vàng trong nước tuy là một trong những kênh được nhà đầu tư quan tâm khi lãi suất ngân hàng giảm sâu, nhưng vàng không phù hợp với nhu cầu đầu cơ ngắn hạn và theo đó. Những người mua vào trong thời gian qua đa phần là các nhà đầu tư có nhu cầu mua và nắm giữ để đa dạng hóa danh mục tài sản.

Do đó, giá vàng trong nước vẫn không bị xả hàng quá nhiều ngay cả trong bối cảnh giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh. Mặc dù vậy, sức mua của nhu cầu mua và nắm giữ đối với vàng thường cũng không lớn, nhất là khi vàng đã thiết lập mặt bằng giá mới khá cao so với thời điểm giữa năm 2023 nên khả năng vàng tiếp tục tăng nóng sẽ khó diễn ra trong thời gian tới.

Về yêu cầu vấn đề tài sản đảm bảo khi vay vốn

Trao đổi về các vướng mắc về tài sản đảm bảo khi vay vốn, vừa qua lãnh đạo NHNN cho biết, trong hoạt động cấp tín dụng không có quy định nào bắt buộc các TCTD cho vay khách hàng phải có tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, các ngân hàng ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp làm sao trong quá trình cho vay vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo chặt chẽ.

NHNN cũng đề xuất các giải pháp tổng thể như việc cần kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính…