Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 22/12/2021, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 12,68% so với cuối năm 2020.

Tín dụng năm 2021 có thể tăng trưởng khoảng 14%
Nhiều thông tin cập nhật về hoạt động ngân hàng vừa được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ ngày 28/12. Ảnh: Chí Tín
HSBC: Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,8% trong năm 2022 Tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 có thể lên 12% Tăng trưởng GDP năm 2021 có thể giảm xuống dưới 2,5%

Từ nay đến hết 2021 chỉ còn vài ngày, nhưng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước thì tín dụng thường dồn nhiều vào những ngày cuối năm. Do đó, khả năng tín dụng năm 2021 có thể đạt xấp xỉ 14% là khả thi.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2021 đạt 245.199 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Đến 20/12/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng; tổng số tiền lãi lũy kế đến nay tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng.

Tổng số tiền cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.​

Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giữ nguyên các mức lãi suất điều hành qua đó nhằm mục đích hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp.

Cơ quan điều hành tiền tệ cũng có chủ trương chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

Về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trong 10 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua POS tăng tương ứng 14,25% và 12,6% về số lượng và giá trị giao dịch; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,39% và 29,14%. Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,67% và 85,09%; thanh toán qua kênh QR code tăng tương ứng 54,24% và 120,64% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code.../.