Doanh thu TLP tăng, nhưng giá vốn cũng tăng mạnh

Quý III và 9 tháng năm 2022, Thanh Lễ ghi nhận giai đoạn bùng nổ trong hoạt động bán hàng khi doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 7.656 tỷ đồng, tăng mạnh tới 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Với sự tăng tốc ngoạn mục này trong quý III, doanh thu thuần lũy kế 9 tháng cũng tăng trưởng khá mạnh, đạt 18.572 tỷ đồng, tăng trưởng 133% so với cùng kỳ.

Tổng Công ty Thanh Lễ (TLP): Giải mã kết quả kinh doanh và cơ cấu tài chính
Tổng Công ty Thanh Lễ (TLP) hiện có vốn chủ sở hữu 2.617 tỷ đồng. Ảnh: T.L

Doanh thu tăng trưởng mạnh là vậy, nhưng giá vốn hàng bán của công ty trong giai đoạn quý III/2022 thậm chí còn tăng nhanh hơn cả doanh thu. Cụ thể, giá vốn hàng bán riêng trong quý III/2022 lên tới 7.651 tỷ đồng, tăng mạnh tới 366% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán trong quý III cũng đã vượt cao hơn so với doanh thu và theo đó công ty đã phải ghi nhận lợi nhuận gộp bị âm gần 25 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp cùng kỳ năm trước vẫn dương gần 49 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, giá vốn hàng bán ghi nhận 18.182 tỷ đồng, tăng trưởng 128% so với cùng kỳ. Tính chung trong kỳ 9 tháng thì giá vốn hàng bán vẫn thấp hơn doanh thu thuần nên công ty vẫn có lợi nhuận gộp dương 390 tỷ đồng trong giai đoạn này.

Thanh Lễ hiện có 6 công ty con

Công ty này hiện có 6 công ty con, trong đó có 2 công ty con do Thanh Lễ nắm giữ 100% vốn là Công ty TNHH MTV Công trình Đô thị Bình Dương và Công ty TNHH Đăng kiểm xe cơ giới 61-05D. Các công ty còn lại có 1 công ty do Thanh Lễ nắm 80% vốn, 3 công ty nắm từ 55 – 60% vốn.

Với các yếu tố như đề cập ở trên, tốc độ tăng của giá vốn hàng bán đã tiêu hao gần như toàn bộ những yếu tố có được do việc tăng doanh thu bán hàng mang lại. Ngoài ra, giai đoạn này công ty lại phải chịu khá nhiều áp lực từ nhiều khoản chi phí khác như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… Cụ thể, chi phí tài chính của công ty trong quý III/2022 ghi nhận mức hơn 56 tỷ đồng, tăng mạnh 634%; chi phí bán hàng quý III là hơn 90 tỷ đồng, tăng trưởng 125%; chi phí quản lý doanh nghiệp là hơn 24 tỷ đồng, tăng 71,4% so với cùng kỳ năm trước…

Tất cả những yếu tố trên cộng dồn đã làm cho công ty bị thua lỗ tới gần 167 tỷ đồng riêng trong quý III/2022, mức thua lỗ theo đó cao hơn khá nhiều so với mức thua lỗ hơn 8 tỷ đồng trong quý III/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp do đã có lãi trong nửa đầu năm nên gánh được phần nào khó khăn trong quý III, nhưng vẫn phải chấp nhận mức thua lỗ gần 65 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Dòng tiền kinh doanh dương, nhưng tài chính chưa hoàn toàn vững

Một trong những yếu tố gỡ lại cho tình trạng kinh doanh thua lỗ trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022 là công ty này vẫn giữ được dòng tiền dương. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ 9 tháng đầu năm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 1.858 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn này công ty cũng đẩy mạnh việc bán thanh lý, chuyển nhượng tài sản cố định và một số tài sản dài hạn khác và đây cũng là một trong những lý do giúp công ty có thêm dòng tiền, nhờ đó dòng tiền thuần trong hoạt động đầu tư cũng dương 381 tỷ đồng. Tổng dòng tiền kinh doanh và đầu tư trong kỳ đã dương 2.239 tỷ đồng.

Tổng Công ty Thanh Lễ (TLP): Giải mã kết quả kinh doanh và cơ cấu tài chính
Thanh Lễ có tham gia đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Ảnh: T.L

Dòng tiền dương tuy là một trong những yếu tố thuận lợi trong kinh doanh, nhưng công ty cũng đang đối diện với áp lực trả bớt nợ vay. Đầu năm 2022, nợ phải trả của công ty ghi nhận ở mức 5.237 tỷ đồng, lớn gấp hơn 1,9 lần so với vốn chủ sở hữu cùng thời điểm này. Trong đó, nợ phải trả của công ty phần lớn nằm ở nợ ngắn hạn, với 4.755 tỷ đồng; theo đó nợ ngắn hạn của công ty trong thời điểm này đã lớn hơn tài sản ngắn hạn (4.520 tỷ đồng). Việc giá trị nợ ngắn hạn vượt cao hơn tài sản ngắn hạn là một trong những yếu tố đáng quan tâm về tình hình tài chính của doanh nghiệp, thể hiện doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó khăn về khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn.

Trong bối cảnh này, Thanh Lễ cũng đã thực hiện việc cân đối lại cơ cấu nợ, đẩy mạnh việc trả bớt nợ vay, động thái này theo đó khiến cho dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính bị âm tới 1.476 tỷ đồng.

Tuy trả bớt các khoản vay tài chính, nhưng trong 9 tháng đầu năm công ty lại “phình” to thêm một số khoản nợ khác: Phải trả người bán ngắn hạn tăng 46%, phải trả ngắn hạn khác tăng 693%... Với diễn biến này, tổng nợ phải trả vẫn tăng thêm khoảng 12,5% trong 9 tháng đầu năm, riêng nợ ngắn hạn cũng tăng 16,4%. Nợ ngắn hạn tại thời điểm cuối tháng 9/2022 ghi nhận mức 5.534 tỷ đồng, trong khi đó tài sản ngắn hạn thời điểm này là 5.627 tỷ đồng.

Với những con số này, công ty đã khắc phục được tình trạng tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn, nhưng giá trị tài sản ngắn hạn cũng chỉ lớn hơn nợ ngắn hạn chút ít. Theo đó, năng lực thanh toán của công ty tuy đã được cải thiện phần nào so với đầu năm, nhưng cũng chưa vượt hẳn lên để có được một trạng thái vững vàng hoàn toàn.

Một số đặc điểm kinh doanh của Tổng công ty Thanh Lễ

Doanh nghiệp này khởi điểm từ ngành sơn mài truyền thống, phát triển các hoạt động kinh doanh xăng dầu, chế biến hạt điều nhân xuất khẩu, sản xuất gia công giày, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp Bình Đường và khu công nghiệp Sóng Thần 1.

Công ty này cũng đầu tư cơ sở hạ tầng hai khu dân cư Bình Đường (diện tích 16,5ha ở huyện Dĩ An) và khu dân cư K8 (diện tích 6,5ha ở phường Hiệp Thành, TX.Thủ Dầu Một), chợ Cây Dừa, kho cảng An Sơn (50ha), đầu tư nâng cấp Công viên văn hoá Thanh Lễ (tiền thân là Công viên Thủ Dầu Một và Công viên nước Bình Dương), xây dựng trung tâm hội nghị, nhà hàng tiệc cưới đáp ứng nhu cầu về thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.