Tổng Liên đoàn Lao động xây nhà ở xã hội: Đề xuất thí điểm trước rồi mới đưa vào luật HoREA kiến nghị cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được làm nhà ở xã hội Tổng Liên đoàn Lao động sẽ xây nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn

Phát biểu tại Hội nghị triển khai các luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 7/3, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trong đó, có quy định Tổng LĐLĐVN là cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê, tại khoản 4 Điều 80.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến xây 3.000 căn nhà ở xã hội trong 2 năm tới
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Đây là quy định mới liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi người lao động và trách nhiệm, vai trò tổ chức công đoàn, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp…

Ngay sau khi luật được thông qua, Tổng LĐLĐVN đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến luật. Đồng thời, Tổng LĐLĐVN chỉ đạo xây dựng quy trình đầu tư xây dựng nhà theo quy định của pháp luật xây dựng và pháp luật đầu tư, bám sát các nội dung mới của luật và dự thảo nghị định của Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ.

Tổng LĐLĐVN cũng đã chỉ đạo rà soát các địa phương giới thiệu địa điểm đất cho Tổng LĐLĐVN để tiến hành khảo sát nhu cầu thuê nhà của công nhân. Từ khi luật được thông qua, đã triển khai ở 4 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Tiền Giang. Dự kiến quý II, Tổng LĐLĐVN sẽ khảo sát tiếp ở 6 tỉnh. Sau khảo sát, tổng liên đoàn sẽ triển khai công tác lập kế hoạch chi tiết và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, công tác đầu tư…

Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, Tổng LĐLĐVN đã xây dựng kế hoạch triển khai dự án xây dựng nhà ở theo giai đoạn đầu tư, hiện đang thực hiện ở các cơ quan cấp vụ. Dự kiến đến năm 2025, Tổng LĐLĐVN sẽ đầu tư xây dựng khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2026-2030 sẽ xây dựng khoảng từ 10.000 - 15.000 căn nhà. Nội dung này sẽ được Đoàn Chủ tịch và Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN sẽ cho ý kiến vào cuối tháng 4.

Tham gia phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cũng cho hay, trong thời gian tới, nhu cầu về nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố là rất lớn. Theo Đề án xây dựng nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hải Phòng được giao chỉ tiêu 33.500 căn nhà ở xã hội đến năm 2030…

Trên tinh thần đó, TP. Hải Phòng đã chủ động gắn việc đầu tư nhà ở xã hội với việc phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời lựa chọn và bố trí đất đai cho hệ thống nhà ở xã hội nhằm chủ động, linh hoạt phát triển nhà ở, trong đó ưu tiên khai thác tối đa quỹ đất sử dụng kém hiệu quả trong đô thị; tăng cường tuyên truyền về chủ trương của Nhà nước về nhà ở xã hội…

Đánh giá Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2024, Luật Đất đai 2024 được ban hành sẽ sớm tháo gỡ được những vướng mắc của thành phố trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ tin tưởng, Đề án về nhà ở xã hội và chỉ tiêu mà Hải Phòng được giao sẽ được hoàn thành đúng tiến độ.