TP. Hồ Chí Minh: Không để xảy ra thiếu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024
Saigon Co.op, chuẩn bị hàng phục vụ người dân TP. Hồ Chí Minh dịp cuối năm. Ảnh: S.Nam

Chủ động mọi tình huống

Đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, phát huy vai trò là đơn vị cung ứng hàng hóa thị trường tết lớn của TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM), Saigon Co.op đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng 20 - 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường.

Đơn vị này cũng cho biết, phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… Còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết. Ngay từ giữa tháng 12/2023, chương trình tết của Saigon Co.op mở màn chuỗi hoạt động tết bằng cách giảm giá trực tiếp từ 50 - 100% cho hơn 10.000 sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, phần lớn sản phẩm của doanh nghiệp (DN) thành viên là lương thực, thực phẩm chế biến. Do vậy, dịp cuối năm và tết cổ truyền là mùa cao điểm sản xuất của DN. Tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng nhất định đến thu nhập của người dân, nhưng sức mua hồi phục liên tục trong nhiều tháng gần đây đã cho tín hiệu vui.

TP. Hồ Chí Minh: Không để xảy ra thiếu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: S.Nam

Nhận định về thị trường dịp cuối năm 2023 tại TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, sức mua vào dịp cận tết năm nay vẫn có thể duy trì ở mức tương đương năm trước và có thể tăng nhẹ nếu chương trình kích cầu tiêu dùng của các cơ quan chức năng phát huy hiệu quả tốt.

Theo ông Phương, các chương trình này đã có hiệu quả nhất định đến sức mua của người dân, góp phần hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa, tăng năng suất sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng may mặc.

Bộ Công thương dự báo, thời điểm 5 tuần trước Tết Nguyên đán, sức mua sẽ tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, DN cần chủ động nguồn hàng để cung ứng cho thị trường.

Ông Phương cũng cho biết, Bộ Công thương đã chủ động làm việc với các tỉnh, thành phố lớn, như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nội… triển khai chương trình bình ổn giá, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ tết của người dân, tránh nguy cơ hàng hóa bị đẩy giá do khan hiếm. Đồng thời, bộ phối hợp các tỉnh, thành phố, đơn vị liên quan siết chặt thanh kiểm tra chất lượng, giá cả hàng hóa để đảm bảo người dân được hưởng tết an vui, lành mạnh.

Không để thiếu hàng hóa cục bộ

Tại buổi họp báo chiều 14/12, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức, cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện đã có 45 DN tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2024. Các DN là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối; các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

TP. Hồ Chí Minh: Không để xảy ra thiếu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: S.Nam

Theo đó, các DN tham gia bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ thị trường; trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% - 43%. Bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…

Đồng thời, DN sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ…, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.

Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết; thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Bên cạnh đó, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng Chương trình Shopping Season đợt 2, đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu nhiều mặt hàng, tập trung vào các mặt hàng tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...

Đại diện Sở Công Thương khẳng định, đơn vị sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phát huy vai trò quản lý, kiểm soát thị trường, đảm bảo nhu cầu của người dân. Dịp trước, trong và sau tết, đơn vị tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm (sữa các loại, đồ uống, rượu thủ công, bánh kẹo, thực phẩm chế biến,...), phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng./.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ghi nhận ước đạt 552.000 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tại TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ; trong đó lương thực, thực phẩm có mức tăng từ 10% - 18%.