Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành Tài chính là dịp để toàn ngành cùng ôn lại truyền thống, tự hào bước tiếp chặng đường vẻ vang để xây dựng ngành Tài chính Việt Nam ngày càng lớn mạnh, vì sự hùng cường của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Trang sử vẻ vang của ngành Tài chính

TBTCVN: Thưa Bộ trưởng, ngành Tài chính cách mạng Việt Nam được khai sinh cùng với sự hồi sinh của dân tộc. Đến nay nền Tài chính quốc gia đã lớn mạnh trên nhiều phương diện. Cảm xúc của Bộ trưởng như thế nào nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Ngày 28/8/1945 là mốc son ghi dấu sự ra đời của ngành Tài chính cách mạng Việt Nam và ngày này hàng năm đã trở thành ngày truyền thống để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành kế thừa và viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng, cùng nỗ lực xây dựng, phát triển nền tài chính quốc gia vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, vì sự trường tồn của đất nước.

Nhìn lại chặng đường 77 năm qua, ngành Tài chính đã hòa nhịp gắn bó cùng với sự đi lên của đất nước, trong chiến tranh cũng như hòa bình, trong dựng xây cũng như đổi mới, phát triển và hội nhập. Ghi nhận những đóng góp to lớn, liên tục và xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển trong 77 năm qua, Ðảng, Nhà nước đã trao tặng ngành Tài chính nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; phong tặng nhiều tập thể, cá nhân danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng nhiều phần thưởng cao quý khác,...

Tự hào bước tiếp chặng đường vẻ vang, xây dựng ngành Tài chính ngày càng lớn mạnh
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc

Những người làm công tác tài chính luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Muốn chống được thù trong giặc ngoài, bảo vệ nền độc lập tự do thật sự cho đất nước phải xây dựng nền tài chính nước ta dồi dào trên cơ sở tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển sản xuất với phương châm dựa vào dân và lấy dân làm gốc.

Ðể thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, thực hiện "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…" theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, liên tục trong những năm qua, ngành Tài chính đã phát động hàng trăm phong trào thi đua thường xuyên trong toàn ngành. Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, có sức lan tỏa lớn, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức hăng hái, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Có thể khẳng định rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành Tài chính luôn kiên định đường lối đổi mới của Ðảng và Nhà nước, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, vững vàng vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao trong công tác quản lý tài chính quốc gia, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tô thắm nét son truyền thống

TBTCVN: Trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước đều có dấu ấn của ngành Tài chính. Xin Bộ trưởng cho biết về một số dấu ấn đặc biệt của ngành Tài chính đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những năm gần đây?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đất nước vẫn còn thù trong giặc ngoài, tình hình tài chính hết sức khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng loạt các biện pháp về tài chính đã được áp dụng nhằm khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, sức mạnh tổng hợp của nhân dân, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp sức, góp của, góp công vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, góp phần vào chiến thắng Ðiện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Tự hào bước tiếp chặng đường vẻ vang, xây dựng ngành Tài chính ngày càng lớn mạnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (thứ ba từ phải sang) cùng Lãnh đạo Tổng cục Thuế và đại diện các Bộ, ngành thực hiện nghi thức kích hoạt Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng eTax Mobile ngày 21/3/2022.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngành Tài chính tiếp tục động viên tinh thần thi đua yêu nước, kịp thời điều chỉnh chế độ thuế khóa và ban hành chính sách tài chính mới để tăng thu cho ngân sách nhà nước, chắt chiu từng đồng vốn trong nước và sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ nước ngoài trong công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện ở mức cao nhất về sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.

Hòa bình lập lại, non sông thu về một mối, ngành Tài chính tập trung mọi nguồn lực để khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh bằng hàng loạt các biện pháp tài chính, ngân sách tích cực đã thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng, củng cố tiềm lực tài chính quốc gia.

Trong thời kỳ đổi mới, ngành Tài chính luôn kiên định đường lối đổi mới của Ðảng và Nhà nước, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng đã đề ra.

Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, trước tình hình dịch Covid-19, ngành Tài chính đã chủ động trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN), góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chính sách tài khóa đã khẳng định rõ vai trò, hiệu quả khi mỗi năm số tiền miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nhiều sáng kiến, sáng tạo trong quá trình ban hành các chính sách tài chính đã được Bộ Tài chính đề xuất như việc một luật sửa nhiều luật, một thông tư sửa nhiều thông tư và các nghị định được hướng dẫn rõ ràng, không cần thông tư hướng dẫn để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, cho thấy sự chủ động thích ứng, linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ của toàn Ngành.

Việc tổ chức thực hiện thành công các giải pháp tài khóa và phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả với chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo phê duyệt của cấp thẩm quyền đã phát huy tác dụng, tích cực hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội, được dư luận, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Thực hiện chính sách tài khóa vì dân

TBTCVN: Như Bộ trưởng vừa nhắc đến, một trong những dấu ấn nổi bật của ngành Tài chính được đánh giá rất cao đó là trong hơn 2 năm qua, các chính sách tài khóa luôn hướng đến hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn, xin Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bước vào giai đoạn phát triển mới 2021 - 2025, đất nước ta ngay trong những năm đầu tiên của nhiệm kỳ đã phải đối mặt với đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử. Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa là một công cụ quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế của Nhà nước, có ảnh hưởng lớn đến sự cân bằng vĩ mô của nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Hơn 2 năm qua, chính sách tài khóa đã đóng góp quan trọng và là “điểm tựa” cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế. Đó là chưa kể những căng thẳng của tình hình địa chính trị trên thế giới tác động tới nhiều mặt của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thực hiện chính sách tài khóa vì dân chính là để thực hiện các mục tiêu nêu trên. Cùng với việc tổ chức thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo các chính sách đã ban hành từ cuối năm 2021, có hiệu lực thi hành trong năm 2022 (giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí...), Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan kịp thời trình các cấp có thẩm quyền ban hành: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% còn 8%; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 28/5/2022); giảm thuế BVMT đối với xăng dầu; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng... Dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho DN, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí khoảng 225,5 nghìn tỷ đồng (gồm cả số giảm thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn), trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 90,5 nghìn tỷ đồng...

Tự hào bước tiếp chặng đường vẻ vang, xây dựng ngành Tài chính ngày càng lớn mạnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (thứ tư từ trái qua) kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân một số dự án tại Khánh Hoà. Ảnh: Minh Tuấn

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) chịu nhiều tác động kém thuận lợi bởi dịch Covid-19 (vừa chịu sức ép từ suy giảm trong sản xuất kinh doanh của DN, vừa giảm thu do thực hiện các giải pháp hỗ trợ), trong khi đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi NSNN cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh..., đã tạo ra thách thức rất lớn với cân đối NSNN. Tuy nhiên, Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng DN thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng DN an tâm vượt qua khó khăn.

Kết quả tích cực từ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - NSNN đã góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 30 quốc gia bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, riêng Việt Nam, Tổ chức S&P đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định” và là một trong hai nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Không ngừng đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

TBTCVN: Để phát huy những thành quả đạt được trong 77 năm qua, theo Bộ trưởng, thời gian tới ngành Tài chính cần phải tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói trong xã hội. Ngành Tài chính sẽ tiếp tục kiên định các nhiệm vụ và giải pháp cả trong trước mắt và lâu dài để đạt cho được các mục tiêu đã đề ra.

Ngành Tài chính tiếp tục tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã đề ra. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - NSNN theo chương trình công tác của Chính phủ và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Ngành Tài chính tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2022; tăng cường quản lý thu, nắm chắc nguồn thu trên địa bàn để có giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng thu; phấn đấu hoàn thành vượt dự toán Quốc hội giao.

Thực hiện điều hành chi NSNN năm 2022 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng cường đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính... Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch; chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2023 - 2025.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành Tài chính luôn kiên định đường lối đổi mới của Ðảng và Nhà nước, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, vững vàng vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao trong công tác quản lý tài chính quốc gia, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TBTCVN: Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhìn lại lịch sử ngành Tài chính, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, dù ở giai đoạn nào, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính Việt Nam luôn nỗ lực cống hiến hết mình, góp phần quan trọng vào thành tựu đáng tự hào của Ngành và đất nước nói chung.

77 năm xây dựng và trưởng thành, những người làm công tác tài chính đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, tạo niềm tin sắt đá ở tương lai. Trên con đường đó, ngành Tài chính luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đó là nhân tố quyết định sự thành công.

Kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam là dịp để toàn ngành cùng ôn lại truyền thống, tự hào phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống vẻ vang, chung sức, đồng lòng, không ngừng đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - NSNN, tiếp tục vững bước đi lên và có đóng góp to lớn hơn vì sự hùng cường của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

TBTCVN: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Trong hơn 2 năm qua, trước tình hình dịch Covid-19, ngành Tài chính đã chủ động trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Chính phủ, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chính sách tài khóa đã khẳng định rõ vai trò, hiệu quả khi mỗi năm số tiền miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nhiều sáng kiến, sáng tạo trong quá trình ban hành các chính sách tài chính đã được Bộ Tài chính đề xuất như việc một luật sửa nhiều luật, một thông tư sửa nhiều thông tư và các nghị định được hướng dẫn rõ ràng, không cần thông tư hướng dẫn để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, cho thấy sự chủ động thích ứng, linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ của toàn Ngành.