Giải pháp cho phát triển thị trường tài chính xanh

Tại toạ đàm, các chuyên gia tài chính - ngân hàng đều có chung nhận định, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước.

Việt Nam cần 20 tỷ USD/năm để tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh
Các chuyên gia tài chính- ngân hàng đề cập đến giải pháp tài chính xanh, tín dụng xanh. Ảnh: Hải Anh

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm để đạt mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Việt Nam cần 20 tỷ USD/năm để tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh
Việt Nam cần 20 tỷ USD/năm để tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh. Ảnh: TL minh hoạ

Đi tìm lời giải về nguồn lực, tại toạ đàm chuyên gia tài chính- ngân hàng đã tập trung thảo luận xung quanh việc cần thiết xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính xanh cũng như các chiến lược quản trị rủi ro về môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh; nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Tạo lập hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực cho hoạt động, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin và đối xử công bằng.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, tài chính bền vững đã trở thành chủ đề nóng trên toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu. Một trong những điểm sáng đầu tiên là Chỉ thị số 03 của Ngân hàng Nhà nước, khuyến khích tăng trưởng tín dụng xanh và yêu cầu các ngân hàng quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động cấp tín dụng. Tiếp đến là Thông tư 17/2022 của Ngân hàng Nhà nước là bước ngoặt quan trọng, yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá tác động môi trường trong mỗi khoản vay, buộc các ngân hàng phải nghiêm túc triển khai.

Ông Mạnh Hùng chia sẻ thêm, chính sách tín dụng xanh bước đầu đã phát huy tác dụng. Tính đến tháng 6/2024, tổng dư nợ tín dụng xanh đạt 680.000 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Con số này đánh dấu một bước tiến lớn so với năm 2017, khi tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 3,5%.