Việt Nam quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng trong lĩnh vực thủy sản
Việt Nam quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng trong lĩnh vực thủy sản. Ảnh: TL

Cơ hội gỡ thẻ vàng trong tháng 4

Tại cuộc họp lần thứ 8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, đến tháng 4/2024, họ sẽ trở lại Việt Nam lần thứ 5 và sẽ quyết định có gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu hay không.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần mạnh dạn và cố gắng thực hiện tốt phần việc của địa phương mình, góp chung hành động chống khai thác IUU (chống khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định). Thống nhất đặt mục tiêu, từ đây đến ngày 30/4/2024, chúng ta phải hành động quyết liệt để cải thiện tình hình và có những minh chứng cụ thể với đoàn kiểm tra EC lần thứ năm trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng”.

Về lâu dài, phải có kế hoạch cho việc nếu gỡ được “thẻ vàng” thì cần phải duy trì ra sao, nếu không gỡ được thì phải tiếp tục chiến đấu nữa.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục tổ chức các đoàn công tác hướng dẫn địa phương chống khai thác IUU. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện, đề xuất xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Có 18 quốc gia nằm trong danh sách cảnh báo của EC, 11 quốc gia đã vượt lên, còn lại 7 quốc gia chưa vượt qua được, trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, lý do EC chưa thể gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam là vì vấn đề mấu chốt kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế tại địa phương. Đến nay, các địa phương vẫn còn rất hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU.

Đồng thời, vẫn chưa kiểm soát được tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); xử phạt hành vi vi phạm thiết bị giám sát hành trình (VMS), vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài rất yếu kém; chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc. Vì vậy, đến nay chưa thể gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho Việt Nam.

Việt Nam quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng cho thủy sản
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn kiểm tra tại Thanh Hóa. Ảnh: Thanh Phương

Lập đoàn kiểm tra giám sát thực tế

Để chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC về việc gỡ cảnh báo thẻ vàng thủy sản, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương rà soát, xác định rõ tình trạng tàu cá mất kết nối qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá trên sáu tháng...

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố xác minh thông tin để xử lý triệt để theo quy định của pháp luật các tàu cá vi phạm quy định về VMS, đặc biệt đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên; tàu cá vượt ranh giới trên biển; tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Song song đó, tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định đối với các tàu cá chưa đăng ký tại địa phương. Không để phát sinh tình trạng tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản hoạt động tại địa phương.

Đồng thời, tăng cường nguồn lực để triển khai thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản khai thác, nhật ký khai thác thủy sản điện tử; qua đó nhằm minh bạch thông tin, kết nối dữ liệu liên thông phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác...

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về quyết tâm gỡ thẻ vàng, cùng với việc ban hành văn bản yêu cầu các địa phương vào cuộc khẩn trường, Bộ NN&PTNT đã kịp thời lập đoàn kiểm tra giám sát thực tế để đồng hành cùng địa phương trong việc chống khai thác IUU.

Theo đó, ngay đầu tháng 1/2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU Phùng Đức Tiến đã dẫn đầu đoàn công tác tiếp tục đi kiểm tra việc thực hiện chống IUU ở một số tỉnh miền Trung.

Cụ thể, cuối tháng 1/2024, đoàn kiểm tra thực tế tại tỉnh Hà Tĩnh và cuối tháng 2/2024, đoàn kiểm tra tại Thanh Hóa. Qua kiểm tra, đoàn đã đưa ra đề nghị các tỉnh tiếp tục tập trung cao triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Trong đó, tiếp tục tăng cường vai trò của lực lượng công an, biên phòng trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên biển; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó tập trung các hành vi về khai thác IUU (nếu có). Phối hợp có giải pháp quản lý chặt chẽ và xử lý dứt điểm đối với nhóm tàu cá “3 không”, đảm bảo không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm cuối tháng 1/2024, cả nước có hơn 4.300 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên không duy trì kết nối VMS trên sáu tháng. Cụ thể, Quảng Ngãi với 911 tàu, Bình Định với 555 tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu với 441 tàu, Thanh Hóa với 378 tàu, Kiên Giang với 311 tàu…

Cả nước có 72 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên không duy trì kết nối VMS trên biển trên 10 ngày chưa xử phạt. Nhiều nhất là ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Thanh Hóa. Cũng theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 1/2024 có hơn 15.000 tàu cá chưa đăng ký tại các địa phương, chủ yếu là các tàu cá có chiều dài từ 24 m trở xuống.