Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế Việt Nam - Thái Lan đã ghi dấu ấn với những con số ấn tượng. Theo bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), Thái Lan liên tục giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan trong khu vực.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 20,26 tỷ USD, tăng 6,36% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 7,81 tỷ USD với các mặt hàng chủ lực như điện thoại, linh kiện, máy móc thiết bị, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và nông sản như trái cây tươi, thủy sản, cà phê.

Việt Nam - Thái Lan: Động lực kinh tế từ quan hệ chiến lược toàn diện
Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 7,81 tỷ USD. Ảnh minh hoạ.

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan khoảng 12,45 tỷ USD, chủ yếu là máy móc thiết bị, ô tô nguyên chiếc, linh kiện điện tử và hàng điện gia dụng. Đặc biệt, quý I năm 2025 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5,17 tỷ USD, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm 2024.

Với mục tiêu kim ngạch 25 tỷ USD và chiến lược “Ba kết nối”, Việt Nam và Thái Lan đang cùng viết tiếp một chương mới đầy triển vọng trong hành trình hợp tác kinh tế song phương.

Năm 2024, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên mức “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, mở ra cơ hội để hai nước hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2025, với trọng tâm là sự cân bằng và bền vững.

Với dân số hơn 70 triệu người và sức mua ngày càng tăng, Thái Lan là một thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, để chinh phục thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức.

Bà Hồ Thị Quyên nhấn mạnh, các rào cản kỹ thuật, cạnh tranh khốc liệt, hạn chế xuất khẩu và sự khác biệt về thị hiếu tiêu dùng đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cập nhật kiến thức thị trường và xây dựng chiến lược bền vững.

Theo ông Chailermchai Pornsiripiyakool - Phó Chủ tịch phụ trách Đối ngoại quốc tế và Phát triển bền vững Tập đoàn Central Retail Việt Nam, để thành công tại thị trường Thái Lan, doanh nghiệp cần chú trọng đến bao bì hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tuân thủ quy định nhãn mác và hướng đến phát triển xanh. Đồng thời, giá cả hợp lý, kết hợp các chương trình khuyến mãi theo mùa và thông tin sản phẩm rõ ràng là yếu tố then chốt để thu hút người tiêu dùng”.

Các mặt hàng tiềm năng của Việt Nam tại Thái Lan bao gồm hải sản, khoai lang, thanh long, cà phê, nước sốt và gia vị. Quy trình nhập khẩu vào Thái Lan đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Doanh nghiệp cần thực hiện các bước như tạo tài khoản trên hệ thống hải quan trực tuyến, xác minh sự tuân thủ của sản phẩm, khai báo, thanh toán thuế và kiểm tra thông quan.

Đối với thực phẩm, giấy phép nhập khẩu từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan là bắt buộc, cùng với các chứng từ như chứng nhận sản xuất, bảng thông số kỹ thuật, danh sách nguyên liệu, hình ảnh bao bì và Giấy chứng nhận phân tích (COA) từ phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO17025. Các sản phẩm có ghi nhãn đặc biệt như “giàu vitamin” hay “ít đường” cần kết quả kiểm nghiệm bổ sung.

Theo ông Chailermchai Pornsiripiyakool, các sản phẩm cần đáp ứng tiêu chuẩn nhãn mác và kiểm soát chất lượng, như chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với thực phẩm tươi hoặc tiêu chuẩn TISI đối với hàng phi thực phẩm. Tất cả sản phẩm đều phải có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D. Việc ghi nhãn tiếng Thái có thể được thực hiện tại kho của Tops Market, công ty giao nhận hoặc tại nhà sản xuất, nhưng các chứng chỉ cần được cập nhật hàng năm./.