Agribank và những giải pháp góp phần nâng tầm ngành nông, thủy sản
Ngành Nông nghiệp trong quá trình phát triển đã gặp nhiều khó khăn cần được sớm khắc phục. Ảnh: Thanh Bình

Từ những khó khăn của ngành sản xuất nông, thủy sản

Nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với kinh tế, xã hội của Việt Nam, góp phần duy trì tăng trưởng ổn định, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong cơ cấu kinh tế, đến năm 2022, khu vực nông lâm thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng tới 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%…

Ngành Nông nghiệp trong quá trình phát triển đã gặp nhiều khó khăn cần được sớm khắc phục. Đối với ngành thủy sản, hiện nay tôm và cá tra đang đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc như: hạn chế trong liên kết giữa nuôi với thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; nghề đánh bắt còn nhiều bất cập, nghề nuôi trồng thì phát triển chưa bền vững.

Trồng trọt, chăn nuôi cũng còn nhiều khó khăn về quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, đầu ra cho sản phẩm chưa bền vững. Đa số người nông dân thường quan tâm đến sản xuất, chưa chú trọng đến việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm…

Bên cạnh đó, quy luật được mùa rớt giá nông sản, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm…, dẫn đến việc nuôi trồng nông thủy sản gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Không ít doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản ở một số địa phương chưa nắm bắt kịp các tiêu chuẩn, biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất khẩu… theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thủy sản.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng, logistic, dịch vụ phụ trợ phát triển chưa tương ứng tại một số vùng sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như đồng bằng sông Cửu Long, nơi chưa có nhiều vùng nuôi tôm tập trung, quy mô trang trại, hệ thống cảng biển đón tàu container chưa phát triển cũng như hệ thống cung ứng và phân phối vật tư, nguyên liệu phải qua nhiều khâu trung gian khiến cho giá thành sản xuất còn cao và khó cạnh tranh. Đây là những trở ngại căn bản làm xuất khẩu thủy sản của vùng khó bắt kịp với xu hướng hiện nay.

Đến những nỗ lực tìm giải pháp nâng tầm nông, thủy sản Việt

Chính phủ và các cấp bộ, ngành, địa phương cũng như ngân hàng Agribank trong nhiều năm qua đã cùng chung tay đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững ngành Nông nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu toàn diện trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức của giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình truyền thông, hội thảo, tọa đàm về các giải pháp phát triển nông, thủy sản Việt đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị triển khai. Agribank luôn chủ động và tích cực đồng hành cùng các đơn vị trong việc tổ chức các chương trình truyền thông, hội thảo về phát triển nông nghiệp.

Agribank phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình truyền thông sự kiện trọng điểm “Phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng thủy hải sản: Giảm khai thác - tăng nuôi trồng”; chương trình hội thảo “Giảm khai thác - tăng nuôi trồng”, hội thảo “Nghề nuôi biển - Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”, hội thảo “Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt”. Mới đây, ngày 27/4/2023, tại Cần Thơ, Agribank tiếp tục đồng hành tổ chức “Hội thảo nâng tầm nông thủy sản Việt” cùng báo Người Lao Động.

Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để phát triển bền vững nền nông nghiệp: cần hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây nông nghiệp với quy mô lớn; cải thiện chất lượng sản phẩm thu hoạch và sau thu hoạch; thúc đẩy mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân; cải thiện hoạt động maketing; phát triển sản phẩm nổi bật cho từng địa phương; xây dựng thương hiệu riêng của doanh nghiệp, cá nhân và thương hiệu quốc gia; đầu tư mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản, ứng dụng và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp…

Với sứ mệnh phục vụ tam nông, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, Agribank luôn nghiêm túc thực thi các chương trình tín dụng chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn mới, các chương trình phát triển bền vững kinh tế biển…

Agribank đã cung ứng trên 220 sản phẩm dịch vụ hiện đại, tiện ích phục vụ hơn 20 triệu khách hàng có tài khoản thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và trên 4 triệu khách hàng vay vốn trên khắp mọi vùng miền cả nước. Agribank đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế, trong đó gần 70% tổng dư nợ cho vay của Agribank là phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam.

Chỉ tính riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tính đến tháng 4/2023 tổng vốn huy động Agribank đạt 187 ngàn tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 224 ngàn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 184 ngàn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng trên 82% tổng dư nợ). Riêng cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản đạt gần 89 ngàn tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt 66 ngàn tỷ đồng, ngành thủy sản (khai thác, nuôi trồng, sản xuất giống) đạt 23 ngàn tỷ đồng với gần 380 ngàn khách hàng.

Thực tế trong nhiều năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp đã có những bước phát triển, nông nghiệp được mở rộng sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm)… Agribank là một trong những đơn vị chủ động và tiên phong dành nguồn vốn phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực chung tay của Chính phủ, các cấp các ngành, các địa phương và sự chủ động hỗ trợ về nguồn vốn từ Agribank cũng như các ngân hàng thương mại, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, khả quan.

Agribank ưu tiên vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển nông nghiệp

“Agribank luôn có đủ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển nông nghiệp, đặc biệt dành cho các dự án nông nghiệp xanh, các dự án đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển bền vững, trong đó có các dự án về thủy hải sản...” - bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank, khẳng định như vậy tại Hội thảo phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt.