Nâng cao tỷ trọng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến đầu tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh có 363 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, ước tính sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 98.031 tấn/năm.
Công nghệ được áp dụng tại cơ sở chủ yếu bao gồm nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động. Ngoài ra, một số cơ sở còn áp dụng thêm công nghệ thủy canh; công nghệ aquaponics; công nghệ theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời... Hiện nay tỉnh đã hình thành 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao trên cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 6.680 ha.
![]() |
Người dân thu hoạch bưởi da xanh Sông Xoài. Ảnh: CTV |
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, như chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất và chính sách hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao. Các chính sách này đã thúc đẩy nhiều nông dân chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng rau trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao, mang lại những kết quả tích cực ban đầu. |
Tại lĩnh vực trồng trọt có 4 vùng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gồm vùng sản xuất rau tại Phú Mỹ và Đất Đỏ; vùng sản xuất hồ tiêu tại Châu Đức và Xuyên Mộc; vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản tại huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ; vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại Phú Mỹ và Đất Đỏ.
Nhận thấy tính ưu việt, hiệu quả của mô hình trồng rau khí canh, anh Vũ Văn Chi, nông dân sinh sống tại huyện Xuyên Mộc đã tìm tòi học hỏi, triển khai thực hiện.
“Sau gần nửa năm hoạt động, mô hình trồng rau công nghệ cao đã cho thu hoạch những lứa rau đầu tiên với chất lượng tốt, an toàn và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Nhờ quy trình sản xuất hiện đại, cây rau phát triển tốt với tỷ lệ sống trên 95% và năng suất cao hơn 40-50% so với các mô hình khác, không cần dùng thuốc kích thích hay phòng ngừa sâu bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” - anh Chi chia sẻ.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã chỉ đạo hình thành 1 vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao tại 4 huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Phú Mỹ. Đối với lĩnh vực thủy sản cũng đã hình thành 2 vùng nuôi trồng áp dụng công nghệ cao là vùng sản xuất giống tôm tại Phước Hải và vùng nuôi trồng thủy sản tại Đất Đỏ và Xuyên Mộc.
Theo ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, đạt được kết quả nêu trên là nhờ từ năm 2010 đến nay, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
“Các cơ sở nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đã tham gia liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi đảm bảo ổn định. Thông qua việc phát triển sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, đến nay, thu nhập của người dân nông thôn đã được nâng lên, đạt trung bình 80 triệu đồng/người/năm” - ông Vinh thông tin.
Ông Nguyễn Công Vinh khẳng định, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển NNCNC trên toàn tỉnh, do đó việc tổ chức lớp bồi dưỡng cho cán bộ, lãnh đạo là cần thiết, giúp họ nắm vững kiến thức chuyên sâu để áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao phong trào xây dựng NNCNC tại các địa phương và toàn tỉnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý trong xây dựng nông thôn mới và NNCNC cho học viên là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, cũng như các hộ nông dân.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, như chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất và chính sách hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao. Các chính sách này đã thúc đẩy nhiều nông dân chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng rau trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao, mang lại những kết quả tích cực ban đầu.
Sản phẩm OCOP khởi sắc mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân
Những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp phù hợp nhằm gia tăng giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn, thúc đẩy giao thương nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.
![]() |
Sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại showroom xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh (số 92-96 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1). Ảnh: CTV |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có 145 sản phẩm của 80 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, 83 sản phẩm 4 sao, 62 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng của các công ty, hợp tác xã, doanh nghiệp đã chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm; đạt chứng nhận HACCP, chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kiểm nghiệm đánh giá từ quy trình trồng, thu hoạch, sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy chuẩn. Chất lượng ngày càng nâng lên, mẫu mã bao bì đẹp.
Nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống đã gắn kết với hoạt động quảng bá du lịch đến khách tham quan, người tiêu dùng và đối tác tiềm năng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP, mô hình sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch địa phương.
Các địa phương, chủ thể cũng tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương và thương hiệu như: Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa - Vũng Tàu, hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu, mãng cầu dai Cát Lở Bà Rịa - Vũng Tàu, muối Bà Rịa, bưởi da xanh Sông Xoài, bánh tráng An Ngãi. Về sản phẩm chế biến có cà phê, chocolate, hạt điều, mật ong, nải sản, nước mắm, mắm nêm, các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa… Đến nay một số sản phẩm đã vào được hệ thống các chuỗi cung ứng như: BigC, MM Mega Market, Lotte, Bách hóa xanh, Aeon và nhiều cửa hàng thực phẩm, bách hóa. Một số sản phẩm OCOP chế biến từ nông sản đã tìm được thị trường xuất khẩu ổn định như: cá nục kho riềng, cà phê Nón lá, khô cá đù bạc thơm, khô các chét thơm, khô cá đù vàng thơm, khô cá sóc thơm, tiêu không hạt, tiêu một nắng…
Bà Lê Thị Anh - chủ cơ sở Mật ong Anh Tiến tại Châu Đức cho biết, ngoài 4 sản phẩm từ mật ong được đánh giá đạt OCOP 4 sao từ năm 2021, năm nay cơ sở có thêm 2 sản phẩm từ mật ong đạt OCOP 3 sao.
“Sau khi sản phẩm được công nhận OCOP, chúng tôi đã mạnh dạn thực hiện và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và sản phẩm đã được người tiêu dùng tin tưởng. Qua đó doanh số bán hàng của công ty qua các năm đều có sự tăng trưởng. Doanh thu hàng năm có thể đạt khoảng 1,5 tỷ đồng” - bà Lê Thị Anh.
Theo Sở Công thương Bà Rịa - Vũng Tàu, các sản phẩm OCOP của tỉnh đang được đẩy mạnh đầu tư, chinh phục thị trường thông qua kênh thương mại điện tử và chuỗi siêu thị lớn. Các sản phẩm này đều được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, VietGAP và đạt chứng nhận HACCP, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tỉnh tập trung phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương, nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã và tuân thủ quy định về tem, nhãn mác, hướng tới xuất khẩu.
Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với ngành liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm này. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 5 điểm trưng bày, giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nắm bắt tình hình cung, cầu để sản xuất, kinh doanh phù hợp./.
Để thúc đẩy Chương trình OCOP, trong thời gian tới, ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực triển khai, hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua việc thành lập các cửa hàng, nhà trưng bày sản phẩm OCOP. Các hoạt động này đã trở thành cầu nối thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. |