Bài 1: Hành trình 20 năm điện tử hóa quản lý hải quan Bài 2: Nhận thức quyết định thành công của tiến trình cải cách

88% thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4

Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành Hải quan được thể hiện rõ nét ở nhiều lĩnh vực nghiệp vụ. Đáng chú ý về ứng dụng CNTT trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) là việc triển khai thí điểm toàn diện, hiệu quả hệ thống VNACC/VCIS (thông quan tự động), làm cơ sở cho việc triển khai nhân rộng hệ thống trên toàn quốc. Việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống vệ tinh giúp các quy trình thủ tục hải quan cơ bản được tự động hóa, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát và hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan và chống gian lận thương mại.

Bài 3: Ứng dụng công nghệ hiệu quả - nền tảng cho hải quan địa phương chuyển đổi số
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, cảnh doanh nghiệp xếp hàng chờ làm thủ tục đã không còn thấy tại các cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Hồng Vân

Về ứng dụng CNTT trong việc thu, nộp thuế điện tử, việc đã triển khai Cổng thanh toán điện tử hải quan và thực hiện thanh toán điện tử qua ngân hàng, giúp cho công tác thu, nộp thuế được thực hiện nhanh, giảm thiểu tình trạng cưỡng chế không chính xác. Với việc triển khai này, tỷ lệ tờ khai được thanh toán thuế qua ngân hàng đạt 99,8%. Qua đó, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.

Không chỉ vậy, việc ứng dụng CNTT trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh với nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (xấp xỉ 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện). Trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ từ khối hải quan địa phương.

Chủ động sáng tạo trong ứng dụng phần mềm

Có mặt tại Lạng Sơn, chúng tôi được được chứng kiến tận mắt những thành quả của các hệ thống CNTT khi ứng dụng trong quản lý hải quan tại cửa khẩu. Các bàn làm thủ tục vắng bóng doanh nghiệp, trụ sở cửa khẩu khang trang với những dàn máy hiện đại, hệ thống máy chủ tiêu chuẩn và “sạch bong kin kít” do được bảo dưỡng thường xuyên. Theo ông Nguyễn Hồng Linh - Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, bên cạnh các ứng dụng CNTT do Tổng cục Hải quan xây dựng và triển khai, Hải quan Lạng Sơn đã chủ động xây dựng phần mềm thống kê hàng hóa XNK, phần mềm hệ thống giao ban trực tuyến, phần mềm quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất,... Các phần mềm trên đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ. Để ổn định các hệ thống, Hải quan Lạng Sơn đã chủ động nghiên cứu và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin theo quy định, đồng thời bố trí tới hơn 20 công chức chuyên trách về CNTT.

Tính sơ bộ những tháng đầu năm 2022, số lượng hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cơ quan hải quan tiếp nhận, giải quyết khoảng 7 triệu hồ sơ.

Tương tự, tại Đà Nẵng, ngoài việc triển khai hiệu quả, đầy đủ các hệ thống thông tin góp phần quan trọng trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan, Cục Hải quan Đà Nẵng còn phát triển xây dựng một số phần mềm báo cáo nhanh phục vụ điều hành lãnh đạo các cấp; phần mềm hỗ trợ phân tích xác định trọng điểm đường không; phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; phần mềm quản lý sáng kiến; phần mềm quản lý trang thiết bị và tiếp nhận xử lý sự cố; phần mềm quản lý tờ khai hủy; phần mềm quản lý giấy phép nhập khẩu xe ô tô theo hình thức quà biếu tặng,…

Ở góc độ phục vụ người dân và doanh nghiệp, Cục Hải quan Đà Nẵng đã triển khai kết hợp hệ thống thông quan điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Bên cạnh đó, trong công tác giám sát hải quan, hệ thống giám sát hải quan tự động đã được đơn vị triển khai áp dụng đối với đường biển và hoàn thiện đảm bảo các yêu cầu triển khai đối với đường hàng không trong thời gian đến.

Trong khi đó, Cục Hải quan Hà Nội lại nổi bật khi là đơn vị đầu tiên trong toàn ngành Hải quan triển khai hệ thống Một cửa quốc gia và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, từ tháng 9/2020. Hệ thống đã nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hải quan tại cảng hàng không quốc tế. Cụ thể, 100% các hãng hàng không đã gửi thông tin tới Cổng thông tin một cửa quốc gia và triển khai, kết nối toàn bộ đối với các kho hàng không; tỷ lệ xử lý tự động của hệ thống đạt ổn định trên 99,4%; thời gian thông quan 1 lô hàng được giảm từ 3 - 6 giờ xuống còn dưới 10 phút.

Những ghi nhận trên đã phần nào chứng tỏ CNTT là một trong những nhân tố quan trọng đã giúp cơ quan hải quan thực hiện thành công chiến lược cải cách, hiện đại hóa hải quan những năm vừa qua. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đến nay thủ tục khai báo, làm thủ tục hải quan đã được điện tử hóa mọi lúc, mọi nơi, việc xử lý thông quan hàng hóa cũng đã được tự động hóa trong cả 3 khâu trước, trong và sau thông quan. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để ngành Hải quan triển khai thành công kế hoạch triển khai chuyển đổi số trong thời gian tới.

*Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng Quách Đăng Hòa:

Thay đổi tư duy, kỹ năng số của cán bộ công chức

Nhằm đáp ứng các quyết sách quan trọng về chuyển đổi số, Cục Hải quan Đà Nẵng đã đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, kỹ năng số của cán bộ công chức.

Thứ hai, phát triển hạ tầng số, ứng dụng công nghệ 4.0 và bảo đảm an ninh an toàn, trong đó, gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ vào quản lý, đẩy mạnh tự động hóa; đảm bảo an ninh an toàn, không làm gián đoạn các hoạt động nghiệp vụ.

Thứ ba, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở triển khai, cung cấp đầy đủ dịch vụ công trực tuyến; nghiên cứu sử dụng dữ liệu để giảm tải thành phần hồ sơ phải nộp; nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

*Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hồng Linh:

Sẵn sàng tiếp nhận và triển khai hải quan số

Hải quan Lạng Sơn đã sẵn sàng tiếp nhận và triển khai hải quan số, trong đó thực hiện chuyển đổi số toàn diện quản lý hải quan với hệ thống CNTT có mức độ thích hợp cao, đáp ứng toàn diện nhu cầu xử lý tự động tất cả các khâu nghiệp vụ.

Ngoài ra, sẽ đảm bảo hệ thống CNTT được triển khai đồng bộ tại các đơn vị thuộc và trực thuộc, đáp ứng yêu cầu triển khai hải quan số và đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong hoạt động của ngành Hải quan.

Đặc biệt, với lộ trình đã được vạch ra, đơn vị sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu có cấu trúc, nhất quán nhằm phục vụ nhu cầu khai thác và sử dụng cho nhiều người, nhiều chương trình khác nhau. Đảm bảo sự thống nhất, được chuẩn hóa, sẵn sàng kết nối, chia sẻ và tiếp nhận dữ liệu với các cơ quan liên quan,...

*Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Hoàng Quốc Quang:

Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng

Để hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số mà Tổng cục Hải quan đã xác định, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện đồng bộ 5 giải pháp.

Cụ thể là: xây dựng nghị quyết chuyên đề về cải cách, hiện đại hóa và ứng dụng CNTT trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong đó cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ vận hành thông suốt các hệ thống ứng dụng CNTT; xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án triển khai Đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT ngành Hải quan; xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thành công Hệ thống Một cửa quốc gia và Giám sát hải quan tự động tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài; triển khai xây dựng ứng dụng chia sẻ dữ liệu, thông tin từ cục đến chi cục và với doanh nghiệp.