Những sáng tinh mơ cặm cụi

“Ăn một lại muốn ăn hai, ăn ba ăn bốn lại nài ăn thêm" - là câu nói cửa miệng của người dân Tráng Liệt và thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang - Hải Dương) về món bánh đa gấc Kẻ Sặt - một món quà quê đặc biệt chỉ nơi đây mới có.

g

Bánh đa gấc thành phẩm được bán với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/túi. Bánh có màu đỏ đặc trưng của gấc, rất bắt mắt. Ảnh: Ngọc Hoa

Đã hơn 30 năm gia đình bà Phạm Thị Ngọc – Chủ cơ sở bánh đa gấc Ngọc Khánh xã Tráng Liệt (Bình Giang) ngày nào cũng phải dậy sớm tinh mơ từ 2 - 3 giờ sáng, luôn tay, luôn chân làm cặm cụi tới tận chiều muộn để cho ra lò hàng trăm mẻ bánh đa gấc thơm ngon, giòn rụm phục vụ nhu cầu đặt hàng cao ở khắp nơi.

Bánh đa gấc Kẻ Sặt ngoài nguyên liệu chính là gạo tẻ còn được làm từ quả gấc chín. Để làm được những chiếc bánh đa thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn.

Theo ông Phạm Văn Khánh, người có 20 năm kinh nghiệm làm bánh đa gấc ở xã Tráng Liệt, một chiếc bánh đa ngon chứa đựng rất nhiều cái tâm của người làm nghề. Yếu tố quyết định đầu tiên là tỷ lệ gạo, gấc, đường phải cân đối, hợp lý.

Đây là "bí kíp" gia truyền của mỗi hộ sản xuất, quyết định tới độ giòn, xốp, độ ngọt vừa của chiếc bánh. Cùng với các nguyên liệu như vừng, dừa, lạc, vị bùi, béo ngậy của gạo, ngọt mát của gấc hòa quyện sẽ tạo nên hương vị khó quên của món quà quê này, khiến ai đi xa cũng nhớ. "Trong tất cả các khâu, việc xay bột có vị trí rất quan trọng. Bột xay phải mịn để chiếc bánh có độ dẻo, dai" - ông Khánh nói.

Tiếp đến là công đoạn tráng bánh, chiếc bánh phải chín tới, nếu bánh chưa chín, khi đưa ra phơi bánh sẽ dễ bị nứt, vỡ. Đặc biệt, bánh đa gấc ngon nhất khi được phơi khô từ 2 - 3 nắng to, người làm bánh gọi là "được nắng". Những người làm nghề thường phải nghe ngóng thời tiết từ nhiều ngày trước. "Nghe dự báo thời tiết trên đài chưa đủ, chúng tôi vẫn phải kết hợp cả bằng kinh nghiệm dân gian như nhìn ráng chiều hoặc quan sát chuồn chuồn bay. Nếu ráng vàng thì nắng, ráng đỏ, trắng hoặc chuồn chuồn bay thấp là rất dễ mưa" - bà Phạm Thị Ngọc, chủ cơ sở bánh đa gấc Kẻ Sặt Ngọc Khánh cho biết.

d

Dù nắng nóng gay gắt rất khó chịu, nhưng với những người làm bánh đa gấc cũng là một niềm vui nhỏ khi công đoạn phơi bánh được rút ngắn hơn. Ảnh: Ngọc Hoa

Mỗi mẻ bánh khi phơi, người làm bánh phải trở đi trở lại 2 - 3 lần, bánh mới khô kỹ. Sau đó, bánh được cho lên bếp nướng. Lúc này người nướng bánh cần cảm nhận tinh tế độ chín của bánh bằng mắt, bằng tay, thậm chí bằng tai khi nghe những âm thanh lép bép do bánh đa chín nở. Điểm đặc biệt là khi chiếc bánh vừa chín tới vẫn có độ mềm, dẻo. Do vậy rất dễ cho việc cuốn tròn chiếc bánh, cắt ra thành từng khoanh nhỏ để đóng túi.

Sống với nghề vì tình yêu với thức quà quê hương

Có đến tận nơi, đưa chân vào khu bếp nơi mà gia đình bà Phạm Thị Ngọc tiến hành tráng bánh mới thực sự cảm nhận được sự vất vả và cực nhọc khi phải ngồi tráng bánh, cắt bánh luôn tay luôn chân giữa sức nóng hầm hập của bếp than tổ ong, không thể bật quạt, mồ hôi từng giọt mặn chát lăn trên vầng trán.

Vất vả là vậy nhưng với những hộ làm nghề tại đây lại rất vui mừng vì “tay làm hàm nhai”, chỉ sợ những ngày mưa, ẩm thấp kéo dài nhiều ngày, việc phơi bánh sẽ lâu khô, phải cách ngày mới có thể có mẻ bánh được làm và phải sấy bằng bếp than có phần mất công hơn rất nhiều.

f

Ở công đoạn tráng bánh phải lật nhanh tay, khéo léo để bánh không bị cháy, đòi hỏi người thợ phải làm lâu năm, biết căn thời gian hợp lý để bánh chín vừa tới. Ảnh: Ngọc Hoa

Ông Khánh cho biết, chiếc bánh đa gấc Kẻ Sặt bắt nguồn từ thị trấn Kẻ Sặt và xã Tráng Liệt (Bình Giang). Ban đầu những người làm bánh đa ở đây chỉ sản xuất ra các loại bánh đa bằng đường kính trắng. Trải qua nhiều lần thất bại trong quá trình tìm tòi, đến năm 1997, ông Khánh cùng một số người dân đã nghĩ ra cách làm bánh đa gấc thơm ngon như ngày nay. Lúc cao điểm có đến 30 gia đình làm nhưng nay chỉ còn khoảng 5 hộ ở xã Tráng Liệt còn giữ nghề. Hiện bánh đa gấc không chỉ được cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn đi các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Với mức thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, người làm bánh đa gấc có cuộc sống ổn định hơn.

Dù là món đặc sản đã theo những người làm nghề ở đây bao lâu, nhưng theo bà Phạm Thị Ngọc, dù nghề mang lại kinh tế khá dư dả nhưng cũng không có nhiều người mặn mà, muốn học để duy trì, bởi lẽ “giờ nhiều nghề sạch sẽ, thu nhập cao mà người dân ở đây có thể tìm đến chứ không phải đầu tắt, mặt tối trong bếp cả đêm, nóng bức để làm, hiện tại chỉ còn những hộ đã làm từ thời cha ông vì quý nghề, vì tình yêu với thức quà quê chứa đựng biết bao sự giản dị, chân chất mà lưu giữ”.

Là một người con của xứ Kẻ Sặt từ lâu đã quá quen thuộc với món bánh đa gấc, chị Nguyễn Thị Thảo cho biết: “Tôi rất thích hương vị bánh đa gấc, nó mang dư vị đặc trưng không đâu có được. Mỗi khi đi đâu xa hoặc có bạn bè về chơi, tôi đều tìm mua bánh đa gấc làm quà cho mọi người"./.

Ngọc Hoa