Quý I/2022, chi 1.671 tỷ đồng để bình ổn giá xăng dầu Giá xăng sát ngưỡng 30.000 đồng/lít: Áp lực lớn lên giá tiêu dùng Thao túng thị trường chứng khoán: Sẽ có thêm nhiều giải pháp để chủ động “phòng và ngăn”

Sáng 2/6, trong phiên thảo luận của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phát biểu tiếp thu, giải trình về các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.

Thu từ đất, dầu thô chỉ chiếm 14% tổng thu ngân sách

Theo Bộ trưởng, năm 2021 là năm đại dịch diễn biến rất phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, nỗ lực của nhân dân, chúng ta đã thu được nhiều thắng lợi. GDP tăng 2,58%, thu ngân sách vượt 16,8%, CPI tăng 1,84%. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài lần lượt giảm còn 43%, 39% và 38% GDP, bội chi ngân sách còn 3,41% GDP. Chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực đầy đủ để mua vắc - xin, chống dịch thành công, hỗ trợ kinh tế, tháo gỡ khó khăn.

Bên cạnh nhấn mạnh những kết quả tích cực đạt được năm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giải trình cụ thể về 3 nhóm vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thứ nhất, về thu ngân sách, Bộ trưởng cho biết thu ngân sách năm 2021 đạt 1.568 nghìn tỷ đồng, vượt 16,8% dự toán, vượt gần 3,9% so với thực hiện năm 2020. Trước một số ý kiến cho rằng thu ngân sách nhiều từ đất và dầu thô, Bộ trưởng cho hay tiền thu từ đất trên cả nước đạt 185 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng thu ngân sách thực hiện. Thu từ dầu thô đạt khoảng 44 nghìn tỷ đồng, bằng 2,9% tổng thu thực hiện. Như vậy hai nguồn thu này chỉ chiếm gần 14% tổng thu thực hiện, cho thấy năng lực sản xuất kinh doanh của nước ta vẫn tốt. Trong số vượt thu 225 nghìn tỷ đồng, có 74 nghìn tỷ đồng thu từ tiền đất, 21 nghìn tỷ đồng vượt thu từ dầu thô, như vậy 45% số vượt thu là từ hai nguồn này, còn lại 55% vượt thu là từ sản xuất kinh doanh, nên đại biểu có thể yên tâm, Bộ trưởng phân tích.

Liên quan đến vấn đề thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng giải trình cho biết theo các quy định của luật thuế và nghị định hướng dẫn, người nộp thuế phải kê khai thuế trên hợp đồng đúng mức hai bên đã thỏa thuận, nếu thấp hơn thì tính theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế. Đánh giá ở đây thời gian qua có sự trốn thuế, trục lợi về thuế, Bộ Tài chính đã có 2 văn bản chỉ đạo cơ quan thuế siết chặt việc thu thuế đúng giá trị mua bán, từ đó tác động đến đầu cơ kinh doanh bất động sản. Trong 5 tháng đầu năm tổng thu (từ giao dịch bất động sản - PV) đạt 16.200 tỷ đồng, tức là vượt thu so với cùng kỳ năm ngoái là 6.600 tỷ đồng. Bộ trưởng nêu ví dụ, có những trường hợp ban đầu kê khai 500 triệu đồng, sau khi được giải thích thì kê khai lại là 10 tỷ đồng, có trường hợp kê khai lại gấp đến 40 lần.

Về phía cơ quan thuế, Bộ Tài chính đã có công điện nghiêm cấm việc cán bộ thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, nếu phát hiện cơ quan thuế nhũng nhiễu, bắt tay, trục lợi thì sẽ xử lý nghiêm, Bộ trưởng khẳng định. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều hành, dữ liệu về mua bán bất động sản để tăng cường minh bạch trong thu thuế chuyển nhượng bất động sản.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tiếp thu, giải trình về các ý kiến đại biểu Quốc hội.

Thị trường chứng khoán hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế

Báo cáo về thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua thị trường chứng khoán đã phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội. So với thị trường chứng khoán các nước tiên tiến đã có hàng trăm năm, thị trường của ta mới 22 năm, cũng được đánh giá tích cực, là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Trên thị trường cổ phiếu, năm 2021 đạt giá trị 7,774 triệu tỷ đồng, bằng 92% GDP, tăng trưởng 46,7% so với năm 2020, bình quân giao dịch trên 26 nghìn tỷ đồng mỗi phiên. Ở thị trường trái phiếu, ngoài trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 đạt 1,374 triệu tỷ đồng, tương đương 15% GDP. Con số này vẫn thấp so với các nước xung quanh như Nhật Bản 17,4%, Hàn Quốc 86,4% , Trung Quốc 35,6%, Thái Lan gần 25%, Singapore 36%, Malaysia 56%,… Điều này cho thấy Việt Nam có tiềm năng tốt để huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp, hiện mới chỉ bằng 10% vốn tín dụng các ngân hàng.

Bên cạnh đó, vừa qua thị trường có xảy ra một số vụ việc sai phạm liên quan đến thao túng chứng khoán, lừa dối khách hàng, giả mạo hồ sơ, tài liệu… đã được cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh. Để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính đã có 5 văn bản được công bố trên phương tiện truyền thông, để cảnh báo về những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia. Đồng thời, liên tục có các công điện chỉ đạo, yêu cầu kiểm tra, rà soát trên thị trường này.

Nhấn mạnh thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, người đứng đầu ngành Tài chính cho hay sắp tới sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 153, trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa Luật Chứng khoán…, từ đó khắc phục lỗ hổng, tăng cường minh bạch trên thị trường.

Nhiệm vụ cấp bách là chống lạm phát

Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội là về kiểm soát giá cả. Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là chống lạm phát, bởi giá cả nhiều nguyên liệu đầu vào ở nước ngoài đang tăng nhanh. Ngoài giải pháp tập trung vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá, thì vấn đề hết sức quan trọng là phải tái cơ cấu, tăng năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, tạo ra được sản phẩm, nâng cao được thu nhập của người dân và doanh nghiệp.

Trước một số ý kiến cho rằng cần phải giảm thuế để giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ giảm thuế chỉ là một trong nhiều giải pháp để giảm giá xăng dầu. Để giảm giá xăng dầu hiệu quả phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Thực tế, tỷ lệ thuế trong giá xăng ở nhiều nước khoảng 45%, còn của Việt Nam chỉ chiếm 29 – 30%. Vừa qua, chúng ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Khi giảm thuế thì phải cắt giảm các khoản chi, vốn đã có dự toán được phê duyệt. “Tuy nhiên chúng tôi sẽ cân nhắc để đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ về việc giảm thuế đối với xăng dầu” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý khi giảm thuế phải tính đến những ảnh hưởng khác như việc buôn lậu xăng dầu, vì hiện giá của Việt Nam chênh lệch 11.000 đồng/lít so với giá ở Lào, chênh 3.000 đồng/lít so với giá ở Campuchia… Nếu giá thấp thì xăng dầu sẽ chảy lậu ra các nước xung quanh, còn ta lại khó khăn vì thực hiện giảm thuế. Bên cạnh đó, phải tập trung thúc đẩy nguồn cung, nâng công suất hai nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn để đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước./.