Tham dự cuộc làm việc có lãnh đạo một số vụ, cục chức năng của Bộ Tài chính và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tại cuộc họp, đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang có vướng mắc trong quy định về mua xe công; vướng mắc trong chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty cổ phần; chuyển nhượng tài sản của tổ chức công đoàn bàn giao lại cho địa phương quản lý; sắp xếp, phát triển doanh nghiệp; tăng vốn điều lệ của một số công ty…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đức Minh.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện đang quản lý 55 doanh nghiệp, đang sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, nhưng gặp vướng trong bán cổ phần, thoái vốn… và các khoản chi như hỗ trợ người lao động dôi dư và một số khoản chi khác.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, tại đơn vị còn một số bất cập cần tháo gỡ để việc quản lý tài chính, tài sản của Liên đoàn được đi vào nề nếp. Về quản lý tài sản nhà đất, có hơn 500 cơ sở, đặc biệt là các cơ sở nhà đất ở 5 thành phố lớn cần được tháo gỡ vướng mắc.

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, hiện nay tại một số Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố lớn có số lượng đoàn viên, người lao động lớn, nhưng chỉ được phân bổ định mức 1 xe ô tô/đơn vị, không đáp ứng nhu cầu công tác, lãnh đạo chỉ đạo các công đoàn cơ sở. Vì vậy, Tổng Liên đoàn kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho Liên đoàn Lao động tại 5 thành phố trực thuộc trung ương và các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố có từ 300.000 đoàn viên trở lên được bổ sung thêm định mức 1 xe ô tô/đơn vị. Tổng Liên đoàn sẽ xây dựng Đề án quản lý, sử dụng gửi Bộ Tài chính xem xét.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Cuộc làm việc có sự tham dự của nhiều đơn vị chức năng của hai đơn vị. Ảnh: Đức Minh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, quan điểm của Bộ đối với các vướng mắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đó là tháo gỡ vướng mắc với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, vướng đến đâu gỡ đến đó và “dễ làm trước, khó làm sau".

Bộ trưởng giao lãnh đạo các đơn vị chức năng có liên quan khẩn trương vào cuộc, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tháo gỡ các vướng mắc và trực tiếp báo cáo Bộ trưởng.

Về cơ bản, các vướng mắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải được tháo gỡ thông qua việc sửa một số nghị định và luật như: Nghị định số 04/2019/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô và Luật số 69/2014/QH13 quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng dự thảo để sửa các quy định nêu trên, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay./.

Tập trung tháo gỡ các vướng mắc

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, quan điểm của Bộ đối với các vướng mắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đó là tháo gỡ vướng mắc với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, vướng đến đâu gỡ đến đó và “dễ làm trước, khó làm sau".