Phát huy triệt để tiềm năng hệ thống cảng biển

Theo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, với chiều dài bờ biển 700 km, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tiềm năng rất lớn để phát triển giao thông thủy, góp phần giảm chi phí logistics. ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước...

Tuy nhiên, chi phí logistics tại ĐBSCL đang là gánh nặng đối với năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại vùng này. Để cơ sở hạ tầng và logistics phục vụ cho sản xuất xuất khẩu ở khu vực trọng điểm ĐBSCL, các công ty kinh doanh cảng biển đã chú trọng đầu tư phát triển hệ thống cảng biển tại các tỉnh trong khu vực.

Cảng Cần Thơ với mục tiêu là trung tâm trung chuyển hàng nông sản
Ông Lê Quang Trung (giữa) cùng đoàn công tác của VIMC thăm cảng Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: VIMC

Một điểm nhấn quan trọng góp phần phát huy triệt để tiểm năng hệ thống cảng biển khu vực trên là cuối năm 2022, tại cảng Tân Cảng Cái Cui, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã cùng với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tái khởi động tuyến dịch tàu container vào cảng này, nhằm kết nối hàng hóa miền Tây Nam Bộ - miền Trung - miền Bắc, mang đến giải pháp logistics trọn gói cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế tại ĐBSCL.

Cụm cảng Cần Thơ được kỳ vọng phát triển thành “chợ” container và trung tâm logistics của vùng, qua đó thu hút các đội tàu trong và ngoài nước phát triển loại hình dịch vụ vận chuyển container trực tiếp đi từ các cảng ĐBSCL, mở ra triển vọng để Cần Thơ trở thành địa điểm gom hàng, tạo ra giải pháp kết nối chuỗi logistics từ cảng khu vực ĐBSCL đi cụm cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh, Cái Mép xuất tàu, hướng tới đi thẳng tuyến quốc tế Nội Á; tiết kiệm được thời gian và đến 40% chi phí vận chuyển cho khách hàng xuất nhập khẩu trong khu vực.

Đưa Cần Thơ thành cảng trung tâm của vùng

Theo ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ, để tiếp tục kích hoạt và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nói chung và cảng Cần Thơ nói riêng, VIMC cũng chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp hàng hải Trung Quốc.

Đáng chú ý, trong chuyến công tác cuối tháng 3/2023 vừa qua, đoàn công tác của VIMC làm việc với 2 đối tác lớn là Tập đoàn Cảng Sơn Đông, Thanh Đảo và Trung tâm đầu mối hàng Hoa quả Đông Phương, Thanh Đảo - một chợ hoa quả lớn thứ 9 Trung Quốc, với sản luợng hàng ngày nhập từ các quốc gia Đông Nam Á khoảng 100 container.

Phó Tổng giám đốc VIMC Lê Quang Trung cho biết, việc làm việc của VIMC với Cảng Sơn Đông, Thanh Đảo và Tập đoàn Sơn Đông để xây dựng quan hệ đối tác giữa 2 bên và nghiên cứu đưa tàu về các cảng của VIMC, hoàn thiện chuỗi xuất nhập khẩu hoa quả, rau, thủy sản 2 chiều giữa tỉnh Sơn Đông và Việt Nam.

Cảng Cần Thơ với mục tiêu là trung tâm trung chuyển hàng nông sản
Các đại biểu tham dự lễ khởi công dự án Cụm kho bãi Chiều Xạ - TP. Cần Thơ

Đoàn công tác của VIMC đã đến làm việc với SITC - một tập đoàn hậu cần vận chuyển hàng đầu trong khu vực châu Á. Phạm vi kinh doanh của SITC bao gồm vận chuyển container, quản lý tàu, môi giới tàu biển, giao nhận hàng hóa quốc tế, hậu cần dự án...

Trong thời gian ở Trung Quốc, ông Lê Quang Trung cũng đã làm việc, trao đổi trực tiếp với với ​Tập đoàn Worldex - một tập đoàn logistics hàng đầu Trung Quốc, với hơn 60 chi nhánh trên toàn thế giới. Hai bên bàn bạc về phát triển chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc (trước mắt là hợp đồng 120.000 tấn khoai lang - đóng container mát) sẽ tập kết từ vùng trồng trọt ở Vĩnh Long về cảng Cần Thơ, sau đó chạy tàu container VIMC ra Hải Phòng để lên trucking đi đến các cửa khẩu tại Trà Lĩnh - Móng Cái - Tân Thanh..., cũng như kết nối thẳng, sử dụng tàu của SITC đến cảng Qingdao.

Đồng thời, đại diện VIMC cũng đã làm việc với COSCO SHIPPING, một tập đoàn lớn về Logistics. VIMC có sáng kiến, đề xuất hợp tác trên các tuyến vận tải, kết nối các quốc gia nội Á; sử dụng và phát huy hệ sinh thái của VIMC tại các vùng kinh tế Việt Nam với lợi thế về hệ thống cảng, vận tải nội địa và Logistics; xây dựng các chuỗi vận tải đa phương thức cho từng ngành hàng, thúc đẩy thương mại giữa 2 quốc gia; nghiên cứu, đảm bảo chủ động tham gia, đầu tư theo chính sách các quốc gia về phát triển ngành hàng hoa quả, nông sản sang Trung Quốc...

Một trong những điểm nhấn để tiếp tục đưa cảng Cần Thơ thành trung tâm của vùng ĐBSCL là ngày 14/7/2022, tại khu vực cảng Cái Cui, thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, Công ty cổ phần Chiếu xạ Cần Thơ khởi công xây dựng cụm kho bãi và dây chuyền chiếu xạ công nghiệp đa năng Cần Thơ, nằm trên diện tích gần 2 ha, với công suất dự kiến 50.000 tấn/năm./.