PV: Hơn 2 năm qua, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực này của Bộ Tài chính?

Chính sách tài khóa hỗ trợ đang phát huy hiệu quả vào cuộc sống
TS. Lê Duy Bình

TS. Lê Duy Bình: Chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã được Chính phủ điều hành chủ động, linh hoạt. Hiện nay, một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với chính sách tài khóa làm trụ cột đã được triển khai, đang tỏ rõ vai trò và phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống.

Gói hỗ trợ tài khóa thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm đã có sự vào cuộc tích cực và rất sớm của Bộ Tài chính, ngay từ thời điểm khởi thảo chương trình, với tâm thế chủ động, liên tục rà soát và bổ sung nhiều chính sách thuế cả trong và ngoài chương trình. Bộ Tài chính đã nỗ lực cao nhất nhằm thực hiện các cam kết của mình. Thực tế cho thấy, các chính sách thuế trong khuôn khổ gói hỗ trợ đã đóng góp tích cực, tổng thể để nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển.

PV: Như ông vừa nhận xét, chính sách tài khóa là “điểm tựa” cho tăng trưởng. Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này, thưa ông?

TS. Lê Duy Bình: Năm ngoái, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cần phải có chính sách vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng năm nay, khi dịch bệnh dần kiểm soát thì lại xuất hiện những khó khăn mới. Ví dụ, những căng thẳng của tình hình địa chính trị trên thế giới và tình hình lạm phát cao tại nhiều nền kinh tế lớn sẽ tác động tới nhiều mặt của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Hơn lúc nào hết, các chính sách tài khóa, tiền tệ, cùng với các chính sách vĩ mô khác và các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng quản trị công sẽ là động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và những năm tới.

Nguồn: TTXVN
Nguồn: TTXVN

Tuy nhiên, những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là rất lớn. Nhiều cấu phần của chương trình hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng bền vững giải ngân chưa đạt tiến độ đề ra. Đồng thời, nền kinh tế đối diện với những thay đổi rất nhanh của các yếu tố của thị trường trong nước và thị trường toàn cầu, đặc biệt là các chính sách tài chính tiền tệ của các nền kinh tế lớn mà Việt Nam có mối quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư rất chặt chẽ, cần tính đến các kịch bản khác nhau và từ đó có phương án điều hành phù hợp. Bên cạnh đó, việc đảm bảo nguồn lực thực hiện cũng như liều lượng, tốc độ giải ngân của các cấu phần khác nhau của chương trình cần thực hiện phù hợp với bối cảnh thực tiễn thị trường và dựa trên những chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản của kinh tế Việt Nam và các chỉ báo trên thị trường toàn cầu.

PV: Việc giãn, giảm thuế, phí và lệ phí mỗi năm lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng vô hình trung đã ảnh hưởng tới “túi tiền” quốc gia. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để hài hòa các lợi ích giữa Nhà nước - người dân và doanh nghiệp?

TS. Lê Duy Bình: “Rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa” đã trở thành phương châm điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp. Trong hơn hai năm vừa qua, hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được sẻ chia cùng doanh nghiệp và người dân. Điều này cũng thể hiện tinh thần “đồng cam, cộng khổ” cùng doanh nghiệp và người dân.

Lợi ích lớn nhất của tăng trưởng kinh tế phải là lợi ích cho người dân, cho doanh nghiệp. Đó cũng là khía cạnh xã hội được nhấn mạnh trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Việc sử dụng túi tiền quốc gia để chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích với người dân và doanh nghiệp do vậy là cần thiết và hợp lý.

Chia sẻ, hỗ trợ không chỉ là cho đi. Từ góc độ kinh tế, đó lại chính là các khoản đầu tư trở lại nền kinh tế. Các khoản đầu tư đó có ý nghĩa hỗ trợ duy trì, phục hồi doanh nghiệp, người lao động, người tiêu dùng. Nó giúp củng cố niềm tin của thị trường, của các nhà đầu tư, hỗ trợ gia tăng chi tiêu của người dân và doanh nghiệp. Đó là các khoản đầu tư cần thiết để nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai. Sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, sự hình thành các doanh nghiệp mới với tốc độ kỷ lục trong tháng 4/2022, sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn FDI, cũng như mức thu ngân sách nhà nước (NSNN) được duy trì ổn định và vượt kế hoạch trong thời gian qua cho thấy các gói hỗ trợ này thực sự không chỉ là các “khoản chi phí” mà đã thực sự là các “khoản đầu tư” khôn ngoan và kịp thời từ NSNN. Rủi ro và khó khăn đã được chia sẻ và lợi ích, do vậy cũng đã được hài hòa. Đáng lưu ý là những lợi ích đó còn có ý nghĩa dài hạn cả về mặt xã hội và kinh tế, điều này có thể cảm nhận được trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, cũng có nhiều bài học kinh nghiệm có thể được rút ra từ quá trình thực hiện các chương trình, hay gói hỗ trợ vừa qua để đảm bảo tính sẵn sàng và chủ động hơn về ngân sách cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hay hỗ trợ xã hội trong các trường hợp cấp bách, đảm bảo hiệu quả trong hoạt động triển khai hỗ trợ, đồng thời đảm bảo tính bền vững và các nguyên tắc về kỷ luật ngân sách.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp

Theo TS. Lê Duy Bình, các chuyên gia và đại diện của các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và sẻ chia với các doanh nghiệp gặp khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và tạo động lực để các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội phát triển. Trong phạm vi nguồn lực không phải là dư dả, nhiều chương trình hỗ trợ đã được thiết kế, triển khai mang lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp, người dân. Và mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, các nỗ lực của Chính phủ vẫn được tiếp tục để mở rộng các không gian kinh tế mới, thị trường mới thông qua tăng tốc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, thúc đẩy nền kinh tế số hay việc tham gia ký kết và đẩy mạnh thực hiện nhiều hiệp định thương mại quan trọng ngay trong thời kỳ chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Các nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị công, dịch vụ công cũng liên tục được thực hiện, ví dụ như việc triển khai hóa đơn điện tử, cải cách quy định pháp luật, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đầu tư, đầu tư công, đấu thầu. Bản thân chương trình hỗ trợ cũng dành riêng một cấu phần về cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Sự linh hoạt về chính sách nhằm thích ứng với tình hình thực tiễn cũng được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Đã có những chính sách và biện pháp đặc biệt được triển khai để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội trong các điều kiện đặc biệt. Sự chủ động, linh hoạt được thể hiện qua việc thay đổi chiến lược chống dịch và các chính sách điều hành kinh tế tương ứng và qua quyết tâm thực hiện chiến lược vắc-xin với quy mô chưa có tiền lệ. Những điều này đã giúp chúng ta thay đổi được cục diện về tăng trưởng kinh tế trong năm nay và tạo đà để nền kinh tế có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những năm tới.

Linh hoạt và thích ứng với các thay đổi của tình hình thực tế song lại luôn kiên định đối với các nguyên tắc và mục tiêu vể ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều này cũng được các chuyên gia và đại diện của các tổ chức quốc tế đánh giá cao…