Chính sách tài khóa tiếp tục là bệ đỡ để kinh tế phát triển
Xuất nhập khẩu từng đạt kết quả cao năm 2024 nhưng dự báo sẽ chậm lại trong năm 2025 và 2026. Ảnh tư liệu

Triển vọng tích cực nhưng yếu tố bất định đang gia tăng

Ông Sacha Dray - chuyên gia kinh tế của WB tại Việt Nam cho biết, triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2025 nhìn chung vẫn theo hướng tích cực, nhưng các yếu tố bất định đang gia tăng.

Tăng tốc đầu tư vào ngành điện và hạ tầng giao thông

Nhu cầu điện và dịch vụ giao thông của Việt Nam đang tăng lên rất nhanh. Vì vậy, nếu Việt Nam không tăng tốc đầu tư vào ngành điện và hạ tầng giao thông trong trung hạn, có thể sẽ trở thành “điểm nghẽn” cho tăng trưởng - TS. Andrea Coppola nhận định.

Theo đó, các hoạt động xuất khẩu phục hồi trong năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2025 và tiếp tục giảm trong năm 2026, do dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại trong ngắn hạn ở Trung Quốc và Hoa Kỳ - hiện đang là các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cùng với đó là viễn cảnh bất định về thương mại toàn cầu trong điều kiện dự kiến có sự chuyển dịch về chính sách thương mại. Các hoạt động kinh tế và dịch vụ trong nước tiếp tục được củng cố trong năm 2025 và sang năm 2026 do được tạo đà khi thị trường bất động sản phục hồi. Đầu tư nước ngoài và thương mại dự kiến vẫn là những động lực tăng trưởng quan trọng trong các năm 2025–2026, nhưng trong điều kiện các yếu tố bất định gia tăng.

Cũng theo ông Sacha Dray, triển vọng trên còn phụ thuộc vào những rủi ro tiêu cực cả trong nước và bên ngoài. Do độ mở của kinh tế Việt Nam rất lớn, các yếu tố bất định chính bao gồm tăng trưởng toàn cầu thấp hơn dự kiến và thương mại bị gián đoạn, nhất là ở các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Những diễn biến đó, bao gồm những bất định gia tăng do chuyển hướng chính sách thương mại và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc về thương mại, có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, sản lượng công nghiệp và tăng trưởng của Việt Nam.

Nhìn vào trong nước, thị trường bất động sản có thể phục hồi lâu hơn dự kiến, gây tác động bất lợi đến đầu tư của khu vực tư nhân. Nếu chất lượng tài sản trong khu vực tài chính bị suy giảm thêm, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng.

Chính sách tài khóa sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt

Đưa ra các khuyến nghị chính sách để thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam, chuyên gia WB lưu ý, do dư địa để can thiệp bằng chính sách tiền tệ bị hạn chế, nên chính sách tài khóa vẫn tiếp tục đóng vai trò then chốt hỗ trợ tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Phân tích rõ hơn, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào, TS. Andrea Coppola cho biết, chính sách tiền tệ vẫn phải đối mặt với dư địa hạn chế về tiếp tục cắt giảm lãi suất trong trường hợp đồng USD tiếp tục mạnh lên và gây ra áp lực cho tỷ giá. Do đó, ông nhấn mạnh tới vai trò của chính sách tài khóa trong hỗ trợ tăng trưởng. Theo ông, dư địa tài khóa tốt, đặc biệt là tỷ lệ

nợ/GDP của Việt Nam thấp nên còn nhiều dư địa để sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả, đặc biệt là đầu tư công. Đầu tư công được đẩy mạnh sẽ hỗ trợ tổng cầu và thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, cần tăng đầu tư công, thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, cùng với đó là tăng chất lượng đầu tư công.

TS. Andrea Coppola lưu ý, mặc dù nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng vững chắc trong các năm 2025 - 2026, nhưng tình trạng thiếu hụt hạ tầng như hiện nay đòi hỏi phải đầu tư mạnh mẽ hơn. Dư địa tài khóa hiện nay cho phép dành nguồn lực cần có cho những dự án hạ tầng để đảm bảo động lực tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn. Quản lý tối ưu đầu tư công cần được thực hiện song hành với đẩy mạnh đầu tư trong các lĩnh vực như năng lượng, hậu cần (logistics) và giao thông vận tải - nhằm triển khai đầu tư đảm bảo hiệu suất, đúng kế hoạch và theo thứ tự ưu tiên.

Một điều quan trọng nữa, theo vị chuyên gia này là phải theo dõi sát sao lạm phát. Theo ông, tăng trưởng cao, tăng trưởng hai con số đặt ra yêu cầu phải theo dõi thận trọng diễn biến của lạm phát và làm tất cả những gì cần thiết để thúc đẩy tiềm năng của nền kinh tế, tăng năng suất và sử dụng những tài sản của Việt Nam một cách hiệu quả hơn nữa.

Giảm nhẹ rủi ro trong khu vực tài chính

Các chuyên gia của WB khuyến nghị, trên cơ sở những cải cách gần đây, bước đi tiếp theo rất cần thực hiện vẫn là giảm nhẹ rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương trong khu vực tài chính. Theo ông Sacha Dray, có thể khuyến khích các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn và tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn (bao gồm để phát hiện và xử lý vấn đề phát sinh do ngân hàng liên kết với các tập đoàn doanh nghiệp) và can thiệp sớm (sớm xác định vấn đề và ngăn ngừa khủng hoảng).

Cùng với đó, cải cách cơ cấu là điều kiện cần để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Vì vậy, cần đẩy nhanh những cải cách cơ cấu nhằm tăng cường môi trường pháp lý trong những ngành dịch vụ xương sống và trọng yếu (như công nghệ thông tin và truyền thông, điện, giao thông vận tải), để chuyển đổi xanh nền kinh tế, cải thiện nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh.

Đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa thương mại (cả về thị trường và sản phẩm), tăng cường hội nhập thương mại khu vực theo chiều sâu và khả năng kết nối cũng sẽ làm giảm nguy cơ khi thương mại toàn cầu bị chia rẽ và đảm bảo nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao tỷ lệ tham gia của các cơ sở cung ứng trong nước cho các doanh nghiệp FDI, là cách để đảm bảo hội nhập thương mại đem lại đóng góp nhiều hơn nữa cho Việt Nam./.