![]() |
Việc mở rộng số lượng mã số giúp mở ra cơ hội khôi phục đà tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng 6 tháng cuối năm 2025. Ảnh minh họa |
Cơ hội đi kèm với yêu cầu nghiêm ngặt
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã công bố thông tin mới nhất về hoạt động cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Theo đó, trong đợt xét duyệt ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói, toàn bộ đều là mã mới. Như vậy, tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 1.396 mã vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu hơn 20 thị trườngĐến cuối năm 2024, diện tích trồng sầu riêng trên cả nước đã đạt gần 180.000 ha, sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn. Ngoài Trung Quốc, sầu riêng tươi Việt Nam còn có mặt tại hơn 20 thị trường như Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Châu Âu... Sầu riêng đông lạnh cũng được xuất khẩu sang nhiều nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Kazakhstan… |
Động thái từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc được xem là tín hiệu tích cực cho mùa vụ sầu riêng đang bước vào cao điểm, thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 11/2025. Với hệ thống mã số ngày càng mở rộng, doanh nghiệp và địa phương có thêm công cụ để điều tiết kế hoạch thu hoạch, xuất khẩu, tránh tình trạng dồn ứ tại cửa khẩu và giảm rủi ro về giá. Hơn nữa, việc cấp mã mở ra điều kiện thuận lợi để thực hiện các hợp đồng đã ký giữa người dân và doanh nghiệp, hạn chế tranh mua, tranh bán.
Tuy nhiên, cơ hội đi kèm với yêu cầu nghiêm ngặt. Trước đó, đã có không ít trường hợp mã số bị thu hồi do mượn mã, khai báo sai sản lượng hoặc không cập nhật đầy đủ hồ sơ sản xuất. Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Huỳnh Tấn Đạt cho hay, người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng sầu riêng Việt Nam, nhưng cũng rất khắt khe. Cấp mã rồi không có nghĩa là yên tâm, mà càng phải siết kỷ luật, giữ uy tín.
Tuyệt đối tuân thủ các quy định đã cam kết
Từ câu chuyện mã số vùng trồng, có thể thấy việc được Trung Quốc cấp mã chỉ là bước đầu, quan trọng hơn là khả năng duy trì và phát triển bền vững những mã số đó.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã khuyến cáo các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục duy trì quy trình sản xuất, đóng gói và kiểm dịch một cách nghiêm ngặt, đúng như hồ sơ đã đăng ký với phía bạn. Điều này không chỉ giúp giữ thị trường, mà còn là cơ sở để mở rộng sang các thị trường khó tính khác.
Cùng với đó, cục cũng đề xuất một văn bản hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho các địa phương. Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là công cụ để các bên cùng nhìn về một tiêu chuẩn chung, từ người nông dân đến cơ quan quản lý, đảm bảo tính minh bạch và thống nhất theo thông lệ quốc tế. Việc kiểm tra, giám sát không thể dừng ở khâu cuối. Toàn ngành đang dần chuyển hướng kiểm soát từ “cuối chuỗi” về “đầu nguồn”. Ngoài ra, ngành đang tính tới phương án cử cán bộ hỗ trợ trực tiếp tại vùng sản xuất, một hình thức kiểm dịch “đi trước một bước”, giúp giải quyết ngay từ nguồn và rút ngắn đáng kể thời gian thông quan.
Trong các khuyến nghị mang tính then chốt dành cho địa phương, doanh nghiệp và người dân, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đặc biệt nhấn mạnh, đó là mọi chủ thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu sầu riêng phải tuyệt đối tuân thủ các quy định đã cam kết trong Nghị định thư với phía Trung Quốc, đặc biệt là 3 trụ cột: An toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và minh bạch quy trình sản xuất. Điểm nhấn của thông điệp lần này chính là trách nhiệm của chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Theo ông Đạt, mỗi mã số là một tài sản. Nếu không coi nó là tài sản cần bảo vệ, sẽ có ngày mất cả thương hiệu. Giữ được mã số vùng trồng không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn để được tham gia thị trường xuất khẩu. Các chủ sở hữu mã số cần chủ động, trung thực trong quản lý sản xuất, bởi mã số không chỉ là công cụ quản lý mà còn là tài sản và thương hiệu gắn với chất lượng sản phẩm của chính họ.
Các chuyên gia cũng nhận định, việc quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là điểm then chốt trong truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khi đạt điều kiện xuất khẩu ra thị trường thế giới. Vì vậy, cần áp dụng công nghệ vào quản lý các vùng nguyên liệu đã được cấp mã vùng trồng, song song với đó là việc tăng cường tuyên truyền, giám sát từ vùng sản xuất, tới các nơi thu mua, sơ chế, chế biến và xuất khẩu.
Để tiếp tục mở rộng mã số vùng trồng, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết thêm, cả nước đang có 12 phòng kiểm định Cadimi và 8 phòng kiểm định chất vàng O đủ điều kiện xét nghiệm sầu riêng xuất khẩu. Đây là cơ sở quan trọng giúp các doanh nghiệp chủ động kiểm tra chất lượng, đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, 3
tháng/lần Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ cập nhật các mã số vùng trồng, mã số đóng gói của các địa phương cấp và gửi sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt.
Việc mở rộng số lượng mã số giúp nới rộng cửa cho các vùng nguyên liệu mới, giảm áp lực lên những vùng trồng đã quá tải và bị tạm dừng trước đó, đồng thời mở ra cơ hội khôi phục đà tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2025./.