TP. Hồ Chí Minh: Đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho hơn 300 doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đối thoại giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng thực thi pháp luật hải quan Đối thoại, tháo gỡ vướng mắc chính sách thuế - hải quan với hơn 700 doanh nghiệp phía Nam Ngành Hải quan chuyển đổi số toàn diện, phục vụ hiệu quả doanh nghiệp
Cơ quan hải quan mong doanh nghiệp hợp tác để tháo gỡ vướng mắc
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh

Định lượng các mục tiêu hỗ trợ

Ngay từ đầu năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại. Trong đó, đáng chú ý là một số chỉ tiêu cụ thể như giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; giảm 20% số lô hàng phải lấy mẫu phân tích, phân loại; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...

Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống VASSCM góp phần đơn giản hoá thủ tục đưa hàng hoá khỏi kho, bãi, cảng, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại của người dân, khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi… Những giải pháp cụ thể nêu trên chính là “đòn bẩy” góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đạt sự tăng trưởng, lấy lại đà phục hồi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong năm 2023, Tổng cục Hải quan cũng đã sửa đổi, bổ sung 4 văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến sổ hộ khẩu giấy, công bố 7 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ; nghiên cứu, đề xuất phương án cắt giảm 2 chế độ báo cáo, đơn giản hoá 2 chế độ báo cáo và 1 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực hải quan.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã triển khai có hiệu quả, đồng bộ theo yêu cầu đối với việc phân công nhiệm vụ và hướng dẫn các đơn vị toàn ngành thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Qua đó giúp nâng cao chất lượng thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công lĩnh vực hải quan, hướng tới mục tiêu nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Vừa nắm bắt, tháo gỡ vừa chấn chỉnh

Cơ quan hải quan mong doanh nghiệp hợp tác để tháo gỡ vướng mắc
Tần suất đối thoại với doanh nghiệp của cơ quan hải quan các cấp trong thời gian gần đây tăng theo cấp số nhân. Ảnh: Nguyễn Hiền.

Đặc biệt, để triển khai Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đang triển khai công tác chuẩn bị nâng cấp Hệ thống cung cấp Dịch vụ công trực tuyến nhằm triển khai các chức năng của Hệ thống một cửa điện tử, hình thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo đồng bộ kết quả hồ sơ thủ tục hành chính của ngành Hải quan lên Cổng Dịch vụ công Bộ Tài chính và Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định.

Kết quả cho thấy, đến nay, đã có trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình đạt khoảng 62,14% tổng số dịch vụ công; phối hợp với 13 bộ, ngành để thực hiện 250 thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành với trên 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 64,7 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.

Hơn 200 cuộc đối thoại với doanh nghiệp

Thống kê cho thấy, năm qua, cơ quan hải quan các cấp đã thực hiện hơn 200 cuộc đối thoại, trả lời hơn 900 vướng mắc với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Theo bà Trần Thị Thúy Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, những cải cách nêu trên thể hiện sự chủ động của ngành Hải quan trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng cần sự chủ động của doanh nghiệp.

Bà Hòa chia sẻ, nếu trước đây, mỗi năm cơ quan hải quan chỉ tổ chức 1 lần đối thoại thì nay đã tổ chức định kỳ, thường xuyên, đột xuất các hội nghị, các buổi gặp gỡ để lắng nghe những vướng mắc của doanh nghiệp và giải quyết nhanh chóng.

Ngành Hải quan xác định, việc thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại để doanh nghiệp có điều kiện phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức hải quan khi thi hành công vụ là ưu tiên hàng đầu.

Với giải pháp này, Tổng cục Hải quan và các cục hải quan tỉnh, thành phố đã kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề doanh nghiệp gặp phải, nắm bắt nhanh và tiếp cận thêm được những thông tin bổ ích phục vụ công tác cải cách hành chính về hải quan, đồng thời kịp thời chấn chỉnh, xử lý những biểu hiện tiêu cực của cán bộ công chức các cấp.

Không những vậy, việc nắm bắt các vướng mắc, bất cập, tồn tại cũng là cơ sở để cơ quan hải quan tham mưu cho các cấp sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, nhất là pháp luật về kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi hơn.

“Cơ quan hải quan mong muốn doanh nghiệp chủ động phản hồi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật. Đồng thời, tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực thuế, hải quan nhằm đảm bảo tính khả thi, sự công bằng, minh bạch, dễ hiểu của các văn bản pháp luật” - đại diện Vụ Pháp chế nhấn mạnh./.