Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay, các quỹ tín dụng nhân dân đều có bộ phận kiểm soát, tuy nhiên hoạt động chưa hiệu quả. Nhiều nơi cán bộ quỹ đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhưng năng lực còn yếu, hạn chế, không có nhiều cơ hội đào tạo.

Có thể xây dựng thông tư riêng để kiểm soát tốt hơn các quỹ tín dụng
Có thể xây dựng thông tư riêng để kiểm soát tốt hơn các quỹ tín dụng. Ảnh: T.L
Nâng cao vai trò Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng Chuyển đổi trả góp 0% dành riêng cho chủ thẻ tín dụng HDBank

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho rằng, việc quan trọng lúc này là làm sao để phát huy được vai trò của thành viên trong việc giám sát hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, phải xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của quỹ đáp ứng mô hình hiện tại.

Phó Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan ban hành chính sách cần nhận thức rõ vai trò, vị trí của bộ phận kiểm toán, kiểm soát nội bộ của quỹ tín dụng nhân dân, thiết kế lại bộ phận này để đảm bảo yêu cầu đối với từng quỹ; bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế tổ chức, vận hành, xác định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của bộ phận này.

Mặt khác, ông Tú cho rằng cần sớm sửa Thông tư số 44/2011/TT-NHNN, cần thiết có thể xây dựng một thông tư riêng để hệ thống quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn. Lãnh đạo NHNN cũng đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường công tác phối hợp, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ kiểm soát, kiểm toán nội bộ; đồng thời, tăng cường thêm sự đánh giá hiệu quả của công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ trong thời gian tới, nhằm xác định thêm, nhìn nhận đầy đủ hơn về bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ ở quỹ.

Cả nước hiện có tới gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân

Theo NHNN, đến 30/9/2022, trên cả nước có 1.179 quỹ tín dụng nhân dân, với quy mô tổng tài sản hơn 166,7 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 1% tổng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng. Hoạt động của quỹ tín dụng đã góp phần nâng cao đời sống của thành viên và đặc biệt đóng góp ngày càng quan trọng cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn xuất hiện tình trạng một số qũy tín dụng vi phạm quy định pháp luật, hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người gửi tiền cũng như đời sống xã hội tại địa phương.