![]() |
Sau gần 5 năm thực hiện, EVFTA đã thúc đẩy mạnh mẽ thương mại Việt Nam - EU. Ảnh minh họa |
Xuất khẩu mở rộng cả về quy mô và số lượng
EVFTA không chỉ là một hiệp định thương mại mà còn là nền tảng cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - EU. Với sự cam kết chặt chẽ từ các bên, hiệp định này sẽ trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua mở rộng thương mại, thu hút đầu tư và đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định cho cả hai phía trong tương lai. |
Hiệp định EVFTA không chỉ giúp Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường, dòng vốn đầu tư từ EU, mà còn tạo điều kiện thúc đẩy cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trong nước.
Việc thúc đẩy EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 xuất phát từ kỳ vọng, Hiệp định này sẽ tạo thêm động lực cho phục hồi kinh tế ở Việt Nam. Sau gần 5 năm thực thi, EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhiều kết quả cho đến nay khá phù hợp với kỳ vọng trước năm 2020.
Trên thực tế, từ khi có hiệu lực vào tháng 8/2020 đến nay, EVFTA đã thúc đẩy mạnh mẽ thương mại giữa Việt Nam và EU. Năm 2024, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam - EU đạt 68,4 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng gần 47,5% (2020 - 2024). Hiệp định cũng tạo điều kiện cho DN châu Âu tiếp cận thị trường Việt Nam – một nền kinh tế năng động với gần 100 triệu dân.
Sau gần 5 năm thực hiện, EVFTA đã thúc đẩy mạnh mẽ thương mại Việt Nam - EU. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN, với kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 51,8 tỷ USD năm 2024.
Ưu đãi thuế quan giúp các ngành hàng chủ lực như thủy sản, dệt may, da giày mở rộng thị phần tại EU. Theo Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược, nhờ ưu đãi thuế quan, tỷ trọng xuất khẩu sang EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng dần, đạt 13,19% vào năm 2024.
EVFTA tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, giúp thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao từ EU, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển bền vững. Các cam kết về sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và phát triển bền vững trong EVFTA đã thúc đẩy Việt Nam nâng cấp hệ thống pháp luật, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với đó, nhờ ưu đãi thuế quan, tỷ trọng xuất khẩu sang EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng dần, đạt 13,19% vào năm 2024. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 16,6 tỷ USD từ EU năm 2024, bao gồm các thiết bị y tế, dược phẩm và công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2024, tổng vốn đăng ký FDI từ EU vẫn duy trì mức cao. Các dự án tập trung vào công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm và logistics. Một số dự án lớn gồm: Lego (1 tỷ USD), Bosch (340 triệu USD), và BW Industrial (100 triệu USD)...
Mặc dù EVFTA thúc đẩy tăng trưởng thương mại, nhưng cũng đi kèm một số chi phí. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu khiến nguồn thu thuế nhập khẩu từ EU giảm từ 8.833 tỷ đồng (2021) xuống 7.707 tỷ đồng (2023), cùng với sự sụt giảm nhẹ của thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Tuy nhiên, về dài hạn, tăng trưởng thương mại và đầu tư sẽ thúc đẩy tăng thu từ GTGT và thuế TTĐB nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng, cùng với thuế thu nhập doanh nghiệp do lợi nhuận doanh nghiệp tăng, thuế thu nhập cá nhân do việc làm mới được tạo ra và mức lương cao hơn.
Quan trọng hơn, EVFTA đánh dấu sự thay đổi chiến lược trong chính sách thu ngân sách của Việt Nam, giảm phụ thuộc vào thuế nhập khẩu/xuất khẩu dễ bị tác động bởi biến động thương mại quốc tế, thay vào đó mở rộng cơ sở thu thuế từ GTGT, thuế TTĐB, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, giúp ngân sách ổn định và bền vững hơn.
Định hướng phát triển cho Việt Nam
![]() |
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đã được mở rộng nhiều về quy mô, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá nhanh và ổn định. Nguồn: CIEM |
Theo các chuyên gia kinh tế, dù EVFTA mở ra nhiều cơ hội đầu tư và phát triển thương mại, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tận dụng tối đa các ưu đãi thuế từ hiệp định. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế EVFTA đã tăng từ 14,8% (2020) lên 42,5% (2023) nhưng vẫn thấp hơn so với một số hiệp định khác.
Một trong những bước đột phá của EVFTA là cam kết loại bỏ gần 100% dòng thuế nhập khẩu trong lộ trình tối đa 10 năm, nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hoá cho cả hai phía. Đối với doanh nghiệp EU, các rào cản pháp lý và việc chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế vẫn gây nhiều thách thức trong quá trình thực thi hiệp định, làm giảm tính hấp dẫn của EVFTA và hạn chế khả năng khai thác thị trường Việt Nam. Với các doanh nghiệp Việt Nam, dù chính sách thuế đã được cải thiện, quá trình thực thi tại địa phương vẫn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt trong thủ tục hành chính.
Để hỗ trợ Bộ Tài chính, Dự án “Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam”, do EU và Chính phủ Đức đồng tài trợ thông qua GIZ (Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức), đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật. Các hoạt động này bao gồm nghiên cứu đánh giá 3 năm thực hiện EVFTA, phân tích tác động thực tế đối với xuất nhập khẩu và thu ngân sách, tổ chức công tác thực địa tại các cục hải quan trọng điểm, nhằm nhận diện vướng mắc và cung cấp thông tin chính sách cho địa phương. Những nỗ lực này là tiền đề để cải thiện quản lý và nâng cao hiệu quả thực thi cam kết EVFTA trong tương lai.
Theo các chuyên gia kinh tế, để khai thác tối đa lợi ích từ EVFTA, Việt Nam cần tập trung vào ba trụ cột: cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý hải quan, nâng cao nhận thức doanh nghiệp.
Đầu tư, số hóa quy trình chứng nhận xuất xứ là ưu tiên hàng đầu trong cải cách hành chính, nhằm đảm bảo minh bạch và chính xác thông tin từ nhà cung cấp. Điều này yêu cầu thiết lập kênh trao đổi dữ liệu liên tục giữa các bên liên quan, tạo thuận lợi cho việc xác minh xuất xứ.
Cùng với đó, về quản lý hải quan, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như giám sát chặt chẽ số liệu xuất nhập khẩu, kiểm soát chuyển tải hàng hóa để ngăn chặn gian lận xuất xứ và nâng cao năng lực hải quan. Đặc biệt, việc xây dựng cơ chế hợp tác với EU về xuất xứ hàng hóa là yếu tố then chốt để đảm bảo minh bạch trong thương mại song phương.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs tiếp cận thông tin nhằm tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Bộ Tài chính đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức các chương trình đào tạo và tọa đàm chuyên sâu về hiệp định cho các doanh nghiệp này.
Ngoài ra, hoàn thiện khung pháp lý về thuế xuất nhập khẩu, đặc biệt là công nhận tiêu chuẩn quốc tế, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hợp tác công - tư trong các lĩnh vực quan trọng như công nghiệp hỗ trợ và năng lượng tái tạo./.