Tăng kích cầu nội địa

Kinh tế TP. Hồ Chí Minh những tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn. Phân tích những khó khăn này, TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, TP. Hồ Chí Minh bước vào năm 2023 với 3 tác động khách quan lớn. Đó là hạ tầng, vấn đề tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được, là điểm nghẽn không mới, với rất nhiều dự án bị vướng.

Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh nhìn từ TP. Thủ Đức. Ảnh Đỗ Doãn
Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh nhìn từ TP. Thủ Đức. Ảnh Đỗ Doãn

Kế đến là tình trạng doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bởi sau dịch, DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có thể chia thành 3 nhóm chính. Đó là nhóm còn thị trường, còn tài chính và vươn lên được; nhóm thứ 2 là các DN "dật dừ" và nhóm thứ 3 là nhóm các DN đã mất thị trường, mất khách hàng... Đến giờ, vấn đề này vẫn chưa cải thiện.

Tác động khách quan thứ 3, đó là tác động đến từ những khó khăn của vĩ mô quý IV/2022 vẫn tiếp tục lan sang năm nay. Những vấn đề này, có vấn đề thành phố đã gỡ nhưng cũng có vấn đề chưa gỡ được và đang và tiếp tục tháo gỡ.

TS Trần Du Lịch kiến nghị, Nhà nước nghiên cứu tiếp tục giảm thuế GTGT theo từng ngành. Kế đến là cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng. Còn DN cũng cần chấp nhận giảm giá để kích thích thị trường, kể cả du lịch. Bởi trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn như hiện nay nếu không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ ảnh hưởng đến tồn kho và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Dự báo diễn biến nền kinh tế sắp tới, ông Lịch cho rằng khó khởi sắc từ cuối quý II/2023 khi dựa vào một số chỉ số thị trường, hay các trụ cột xuất khẩu, đầu tư công… Bức tranh thị trường nhìn chung còn rất khó và chưa thể có giải pháp hiệu quả hơn. Ngay cả tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ quý I/2023 tăng tốt nhưng qua tháng 4 bắt đầu chững lại, sức mua rất thấp.

‘‘Do vậy, để kinh tế sớm phục hồi, trước tiên cần phải dựa vào vĩ mô, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa lên thông qua công cụ của nhà nước và công cụ của DN’’ - ông Lịch đề xuất.

Gỡ nhanh điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

Hiện tại, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang ráo riết rà xoát những điểm nghẽn có thể xử lý được để hấp thụ được dòng vốn đầu tư công, nhất là thị trường bất động sản.

Tháo gỡ vướng mắc bất động sản góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi. Ảnh Đỗ Doãn
Tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản góp phần thúc đẩy kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhanh phục hồi. Ảnh Đỗ Doãn

Nhìn nhận về thực tế này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, chính quyền thành phố đang gỡ vướng cái nhất thời. Còn về căn cơ hạ tầng, chính quyền thành phố cũng đang đẩy mạnh là những chương trình chỉnh trang đô thị, bởi môi trường, chỉnh trang và phát triển đô thị là những giải pháp cần thiết phải làm. Nếu gỡ được những điểm nghẽn này, sức hấp thụ vốn của TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng lên.

Hiện tại, Quốc hội đang bàn về nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh, nếu được thông qua và áp dụng ngay, lần đầu tiên thành phố có quyền tự chủ rất lớn. Đây là điều TP. Hồ Chí Minh đang đeo đuổi bởi hàng chục dự án, chương trình dự án sẽ được HĐND TP. Hồ Chí Minh thông qua để triển khai ngay…

Một mảng mà thành phố đang làm phối hợp với trung ương là vốn tín dụng. Đây là vấn đề cần phải tập trung, bởi nếu không khơi thông được thị trường này thì đối với điều kiện của kinh tế Việt Nam hiện nay, sẽ rất khó phục hồi.

‘‘TP. Hồ Chí Minh là một bộ phận của kinh tế cả nước, căn bản khó khăn còn tiếp tục nhưng phải gỡ những vấn đề căn cơ, và gỡ được, mới có sức bật cho những năm sau. Còn nếu chỉ gỡ những cái tình thế thì khó khăn sẽ lập lại ở một thời gian khác...’’ – ông Lịch nói.

Theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) Võ Anh Tài, cầu đầu tư và cầu tiêu dùng của TP. Hồ Chí Minh những tháng đầu năm 2023 đều rất yếu. Do đó, để nhanh chóng đưa kinh tế TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng trở lại, cần có những biện pháp thiết thực để đẩy mạnh đầu tư và kích thích tiêu dùng, như giảm lãi suất, giảm thuế, tăng đầu tư công, tinh giảm các quy định, thủ tục hành chính, triển khai sớm cơ chế đặc thù thay cho Nghị quyết 54 ngay khi được thông qua…