đồ chơi trung thu

Đồ chơi đèn kéo quân làm thủ công từ gỗ rất "được lòng" các phụ huynh khi mua sắm đồ chơi trung thu. Ảnh: Mai Đan

Đồ chơi truyền thống “lên ngôi”

Những ngày này, dạo qua các phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can (Hà Nội), nơi được xem là "thủ phủ" đồ chơi thiếu nhi, đang tràn ngập với nhiều mẫu mã mới, đa dạng và rất bắt mắt.

Chị Hạnh, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, đồ chơi tại cửa hàng đều là hàng thủ công, được nhập về từ các làng nghề truyền thống ở trong nước. Do sản phẩm được làm từ các nguyên liệu an toàn như giấy, tre, gỗ… cho nên không gây độc hại. Về giá cả cũng tương đối hợp lý, như giá đèn ông sao loại nhỏ từ 10.000 – 15.000 đồng/chiếc, loại to từ 50.000-100.000 đồng/chiếc, trống da từ 35.000 – 80.000 đồng/chiếc…

Theo đó, chỉ với khoảng 200.000 - 300.000 đồng là có thể mua một suất quà dành cho trẻ em đón Trung thu với khoảng với 5 món đồ. Giá của đồ chơi Trung thu của Việt Nam năm nay có nhỉnh hơn, nhưng người tiêu dùng vẫn chọn, bởi đồ chơi chủ yếu làm thủ công, với nguyên liệu an toàn... nên giá thành đắt hơn một chút cũng là dễ hiểu, bà Hạnh cho biết thêm.

Còn theo quan điểm của một khách hàng tại cửa hàng trên phố Lương Văn Can, hàng Việt Nam năm nay đẹp hơn năm ngoái. Đồ Việt Nam chủ yếu làm thủ công, bằng tay nên sẽ đắt hơn hàng Trung Quốc, nhưng chị vẫn lựa chọn vì có nhiều đồ trẻ con thích hơn như những cái mặt nạ bồi, trống phách, đèn biển đảo.

Ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty cổ phần Thiết bị kỹ thuật và Đồ chơi An toàn Việt Nam cho rằng, hiện tại các sản phẩm đồ chơi Việt Nam đang có lợi thế do được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, để cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, thì các doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ chơi Việt cần nỗ lực hơn để đa dạng hóa mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, chú trọng việc chuẩn hóa các quy trình sản xuất đồ chơi theo tiêu chuẩn ISO 9001 hay các quy chuẩn quốc gia cũng như kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất sản phẩm, để đảm bảo các sản phẩm tuyệt đối an toàn, từ đó giúp DN khẳng định vị thế.

Trên thực tế, hiện nay nhiều DN đã nhận thức rõ xu hướng phát triển của thị trường trong nước, chú trọng nhiều hơn đến việc nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo ra những sản phẩm đồ chơi an toàn, bổ ích cho sự phát triển trí tuệ của trẻ, như các Công ty CP: Sản xuất Thương mại Nam Hoa, Gỗ Đức Thành, Veesano…

Trong đó, gia nhập thị trường từ năm 2007, Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành đã trở thành DN chiếm thị phần lớn trên thị trường đồ chơi gỗ mang thương hiệu Winwintoys tại TP. Hồ Chí Minh. Còn Veesano lại chiếm lĩnh thị trường đồ chơi gỗ tại Hà Nội. Nhóm đồ chơi công nghệ có Công ty cổ phần Robot Tosy với những sản phẩm độc đáo như đĩa bay AFO Tosy, con quay Tosy. Sau hàng chục phiên bản được nâng cấp và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn kỹ thuật, đến nay các sản phẩm của Tosy đã có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Còn theo ông Lê Duy Tiến, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), để các sản phẩm đồ chơi Việt làm chủ thị trường, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp về vốn, thuế… giúp các DN tham gia nhiều hơn vào mảng thị trường đang có nhiều tiềm năng này. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi, khuyến khích sự hợp tác giữa các nhà khoa học và DN để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em.

Bởi lẽ theo ông Tiến, các nhà khoa học Việt Nam đang thờ ơ với công nghệ sản xuất đồ chơi trẻ em vì trong số hơn 2.000 công trình đăng ký dự thi Giải thưởng này trong 10 năm qua, hầu như không có ý tưởng nào về đồ chơi trẻ em, cho dù ban tổ chức đã rất chú trọng khuyến khích . Bên cạnh đó, thì bản thân DN cũng cần chủ động, nhạy bén hơn trong việc thiết kế các sản phẩm quần áo, giày dép, các loại bao bì, đồ chơi… với những nhân vật trong các truyện cổ tích, các bộ phim được trẻ em yêu thích, như Pink Panther, Mr. Bean, Angry bird…/.

Một số hình ảnh PV ghi nhận trên những phố đồ chơi:

do choi
Phố Hàng Mã mùa trung thu đã bắt đầu bày bán nhiều mẫu đồ chơi

Mai Thanh - Mai Đan