Góp ý vào 9 nhóm chính sách lớn của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Quang cảnh cuộc họp báo.

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo giới thiệu về hội thảo khoa học “Góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi)”, sáng 28/7/2023.

Tại buổi họp báo, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng cho biết, hội thảo được tổ chức trên cơ sở kết quả nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học tại các trường đại học, cao đẳng, học viện chuyên ngành trên địa bàn TP. Hà Nội. Hội thảo nhằm cung cấp, bổ sung các luận cứ khoa học trên nhiều lĩnh vực trọng yếu của Thủ đô, góp phần cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách lớn như: tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô...

Góp ý vào 9 nhóm chính sách lớn của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Các đại biểu trả lời tại cuộc họp báo.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền về sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi); về nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn của Luật Thủ đô; kết quả triển khai thực hiện Luật Thủ đô trong những năm qua; về mục đích, ý nghĩa của Luật Thủ đô (sửa đổi); về các chính sách đề xuất sửa đổi khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)...

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần tuyên truyền rộng rãi để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ vì sao phải sửa đổi Luật Thủ đô; kết quả triển khai thực hiện Luật Thủ đô trong 11 năm qua; cơ sở khoa học và pháp lý trong việc sửa đổi Luật Thủ đô.../.

Hội thảo sẽ có sự tham dự của 350 đại biểu, bao gồm các đại biểu là đại diện của Văn phòng Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu của Quốc hội; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành trung ương...